Phản ứng của Nga trước đề nghị đàm phán về thỏa thuận hạt nhân mới của Mỹ

Nga cho rằng việc Washington sẵn sàng đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí là một tín hiệu tích cực song đến nay vẫn chưa có bất kỳ chi tiết cụ thể nào.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa đạn đạo RS-24 Yars của Nga trong cuộc diễu binh tại Quảng trường Đỏ.

Phát biểu với báo giới ngày 5/6, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biêt Nga hoan nghênh đề xuất của Mỹ về việc tổ chức các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân, nhưng muốn thấy các đề xuất cụ thể từ Washington.

Tuyên bố trên được ông Peskov đưa ra khi bình luận về ý kiến của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khi nói rằng Mỹ sẵn sàng "tham gia vào các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí song phương với Nga và với Trung Quốc, mà không cần điều kiện tiên quyết". Vị quan chức Nhà Trắng cũng nói rằng Washington sẵn sàng duy trì giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) nếu Nga thực hiện bước đi tương tự.

Ông Peskov đánh giá tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ là "một tín hiệu quan trọng và tích cực", đồng thời bày tỏ hy vọng điều này sẽ được hỗ trợ bởi những động thái trên thực tế thông qua các kênh ngoại giao.

Nhắc lại việc Moskva vẫn để ngỏ khả năng đàm phán về kiểm soát vũ khí, ông Peskov nói thêm rằng "trước tiên, chúng ta nên hiểu đề xuất này được xây dựng như thế nào".

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng khi đề cập tới một chủ đề quan trọng như vậy thì rất khó để dựa vào các tuyên bố trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong bối cảnh lòng tin giữa hai bên đang suy giảm nghiêm trọng.

Nga và Mỹ ký New START năm 2010. Theo thỏa thuận này, Nga và Mỹ có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí 6 tháng/lần. Hai nước cam kết cắt giảm kho vũ khí chiến lược xuống còn không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SLBM), máy bay ném bom hạng nặng (TB). Tháng 2/2021, Nga và Mỹ gia hạn hiệp ước thêm 5 năm.

Tuy nhiên, cấu trúc kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ đã bị suy yếu đáng kể trong thời gian gần đây. Hồi tháng 2 vừa qua, Moskva đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới New START - thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington, vì cho rằng Washington đang sử dụng hiệp ước này để giúp Ukraine tấn công địa điểm chiến lược của Nga. Tuy nhiên, chính phủ Nga cũng khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ các giới hạn của thỏa thuận về đầu đạn được triển khai.

Khi ký ban hành luật đình chỉ tham gia New START hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng trước khi quay lại thảo luận về vấn đề tiếp tục tuân thủ hiệp ước, Nga cần phải biết New START sẽ tính đến kho vũ khí không chỉ của Mỹ mà của cả các cường quốc hạt nhân khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Anh và Pháp như thế nào.

Hoài Nam/Báo Tin tức (Theo RT)
Nga nêu điều kiện tham gia trở lại New START
Nga nêu điều kiện tham gia trở lại New START

Theo hãng tin Sputnik, ngày 3/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố điều kiện để nước này nối lại việc thực thi đầy đủ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là Mỹ từ bỏ "chính sách thù địch" nhằm vào Nga. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN