Bệnh nhân là một người đàn ông vừa trở về từ một quốc gia châu Âu khác và bị nhiễm trùng do orthopoxvirus. Dự kiến đến cuối tuần này, nhà chức trách mới có thể xác định chính xác đây có phải là bệnh đậu mùa khỉ hay không. Bệnh nhân hiện đang ở nhà với các triệu chứng phồng rộp và sốt cao.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Brigitte Bourguignon cho biết số ca mắc đậu mùa khỉ tại nước này đã tăng từ 3 lên 5 ca. Trước đó, giới chức y tế Pháp đã khuyến nghị những người trưởng thành có nguy cơ cao nhiễm virus sau khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ nên được tiêm phòng. Tương tự, các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ cũng cần được tiêm vaccine.
Đậu mùa khỉ lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi.
Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây tử vong. Bệnh đang lây lan ở châu Âu và Bắc Mỹ, với ca mắc đầu tiên được phát hiện tại Anh vào ngày 7/5 vừa qua, là một người gần đây đã đến Nigeria.
Mặc dù số ca nhiễm đang có xu hướng tăng lên, song theo Giám đốc Viện Y tế toàn cầu của Đại học Geneva (Thụy Sĩ), ông Antoine Flahault, hiện còn quá sớm để có thể khẳng định hiện tượng bất thường này sẽ bùng phát thành dịch, hay thế giới có thể kiểm soát tốt hơn số ca nhiễm.
Trong thời gian gần đây, cứ sau 3 đến 4 ngày, số ca nhiễm lại tăng gấp đôi, dấu hiệu cho thấy làn sóng đậu mùa khỉ đang tăng nhanh. Một nguyên nhân khác có thể là do truyền thông liên tục đưa tin về căn bệnh này, khiến nhiều bệnh nhân đi thăm khám và phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. Do đó, theo ông Flahault, hiện chưa thể khẳng định đây là một dịch bệnh.
Chuyên gia Flahault cho rằng sự xuất hiện của đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi giống như một thông điệp cảnh báo, khiến thế giới trở nên thận trọng hơn. Về góc độ y tế , việc cách ly một số trường hợp mắc bệnh trong 3 tuần và yêu cầu cách ly những trường hợp tiếp xúc có nguy cơ cao nhiễm virus sẽ giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm, giảm bớt tác động về kinh tế và xã hội.
Do thế giới vẫn chưa biết nhiều về bệnh đậu mùa khỉ, hiện có rất ít phương pháp điều trị hay vaccine hiệu quả, việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm là hoàn toàn khả thi khi mới chỉ có vài trường hợp mắc bệnh, thay vì đợi số ca tăng theo cấp số nhân, gây áp lực cho hệ thống y tế.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học mới chỉ xác định được rằng virus đậu mùa khỉ không có nguy cơ lan nhanh trong dân số nói chung, trừ phi virus tiến hóa mạnh cả về hình thức lẫn khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, ông Flahault cũng không loại trừ nguy cơ đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch giống như COVID-19.
Cho tới nay, thế giới chưa ghi nhận chuỗi lây nhiễm nào nhiều hơn 6 ca. Tại châu Phi, tỷ lệ lây nhiễm luôn dưới 1, không có khả năng dẫn đến đại dịch. Tuy nhiên, xu hướng này có thể thay đổi khi các điều kiện để lây lan từ người sang người tăng lên, chẳng hạn như khả năng thích nghi của virus, mật độ di chuyển và mạng lưới các cộng đồng sinh sống gần nhau tăng lên.
Trước đây, đại dịch HIV/AIDS cũng bắt đầu từ việc lây nhiễm trong vài nhóm nhất định trong dân số, đặc biệt là những người đồng tính nam và những người dùng chung kim tiêm. Theo thời gian, đại dịch đã lan sang các nhóm dân số khác thông qua truyền máu, quan hệ vợ chồng và truyền bệnh từ mẹ sang con. Hiện không có bằng chứng cho thấy virus đậu mùa khỉ lây lan qua đường tình dục.
Căn bệnh này dường như chỉ lây qua tiếp xúc gần và trong thời gian dài với những người mắc bệnh có vết thương ngoài da. Trong trường hợp này, không có cơ sở nào khẳng định rằng bệnh sẽ chỉ tập trung ở những người đồng tính nam. Các nhóm dân số khác đều có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ.