Ngày 14/9, ngày thứ 4 diễn ra làn sóng phản đối một bộ phim được cho là phỉ báng đạo Hồi phát trên mạng internet, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra khắp thế giới và làm hàng chục người thương vong.
Tại thủ đô Tunis của Tunisia (Tuynidi), hai người đã thiệt mạng và 40 người bị thương trong cuộc đụng độ trước Đại sứ quán Mỹ sau khi 300 người biểu tình giận giữ, ném bom xăng vào tòa đại sứ. Cảnh sát đã phải sử dụng đạn thật và hơi cay để giải tán đám đông. Người biểu tình cũng phóng hỏa một trường học của Mỹ gần đó. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Tuynidi, trong số những người bị thương có 20 nhân viên cảnh sát.
Trong khi đó, đã có 4 người bị thương khi một nhóm tay súng Hồi giáo tấn công trụ sở của các lực lượng gìn giữ hòa bình tại bán đảo Sinai của Ai Cập, nơi có khoảng 1.500 binh lính đang đồn trú, phá hàng rào dây thép gai và phóng hỏa. Còn tại thủ đô Cairo, một người biểu tình thiệt mạng và 53 cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.
Ngày 13/9, hàng nghìn người đã tập trung biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo (Aicập), phản đối một bộ phim ngắn được cho là có nội dung phỉ báng đạo Hồi. Trong ảnh: Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình gần Đại sứ quán Mỹ ở Cairo hôm 13/9. Ảnh: THX-TTXVN |
Tại thành phố cảng Tripoli, phía Bắc Libăng, ít nhất một người đã thiệt mạng và 25 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa những người biểu tình phản đối bộ phim trên với các lực lượng an ninh. Người biểu tình đã phóng hỏa một cửa hàng KFC tại đây, ném đá vào cảnh sát, và kêu gọi trục xuất Đại sứ Mỹ tại Libăng. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại các thành phố khác của Libăng như Taalabaya và Zahle sau giờ cầu nguyện ngày Thứ Sáu.
Cùng ngày, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 86 người sau khi một nhóm gồm hàng trăm người biểu tình Hồi giáo ném đá và đập vỡ cửa kính, camera bảo vệ ở Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Chennai. Người biểu tình cũng đốt hình nộm của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cờ Mỹ. Người phát ngôn Lãnh sự quán cho biết không có nhân viên ngoại giao nào bị thương. Trong khi đó, tại thành phố Srinagar ở Kashmir, hàng nghìn người Hồi giáo cũng tụ tập hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ sau ngày cầu nguyện Thứ Sáu.
Tại Kenya (Kênia), 300 người Hồi giáo cũng tụ tập nhà thờ lớn nhất của thành phố cảng Mombasa, thành phố lớn thứ hai của nước này, để phản đối bộ phim trên. Hồi tháng trước, Mombasa đã chứng kiến các cuộc đụng độ đẫm máu kéo dài nhiều ngày sau vụ ám sát một giáo sĩ Hồi giáo có liên hệ với nhóm Al Shebab ở Somalia (Xômali). Ở Kenya, người Hồi giáo chiếm 12% dân số.
Môritania cũng chứng kiến cuộc biểu tình của hàng trăm người Hồi giáo gần Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Nouakchott sau buổi cầu nguyện ngày Thứ Sáu. Cuộc biểu tình diễn ra hòa bình với khẩu hiệu "Hãy bảo vệ tôn giáo của chúng tôi khỏi những lời báng bổ". Một số người kêu gọi trục xuất Đại sứ Mỹ, trong khi một số người khác kêu gọi Nouakchott cắt đứt quan hệ với Washington. Trong khi đó, hàng trăm người Hồi giáo tại Marốc đã đốt cờ Mỹ nhằm phản đối bộ phim trên ở bên ngoài một nhà thờ ở vùng ngoại ô Rahma. Trước đó, khoảng 300-400 người cũng đã biểu tình trước cửa Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Casablanca.
Các cuộc biểu tình tương tự cũng nổ ra tại thủ đô Anger (Angiê) của Algeria (Angiêri), nhưng đám đông người biểu tình đã bị cảnh sát chặn lại và giải tán. Từ ngày 12/9, lực lượng cảnh sát chống bạo động tại đây đã được đặt trong tình trạng trực chiến và giám sát nghiêm ngặt các địa điểm công cộng, đặc biệt là các khu vực nhạy cảm có thể nổ ra biểu tình phản đối bộ phim chống đạo Hồi như trước và xung quanh Tòa đại sứ Mỹ.
Cùng ngày, hàng trăm người biểu tình trước cửa Đại sứ quan Thụy Sĩ ở Tehran, cơ quan đại diện cho các lợi ích Mỹ tại Iran, kêu gọi Mỹ chính thức xin lỗi người Hồi giáo vì đã sản xuất một bộ phim chống đạo Hồi và phỉ báng Nhà tiên tri Mohammed, đồng thời kêu gọi trừng phạt các nhà sản xuất bộ phim này.
Bộ phim nói trên có tiêu đề "Phiên tòa xét xử Mohammed", do một người Cơ đốc giáo Ai Cập di cư sang Mỹ sản xuất. Bộ phim mô tả đạo Hồi như một "căn bệnh ung thư" và có cảnh nói về mối quan hệ của Đấng tiên tri Mohammed với phụ nữ. Việc phát tán bộ phim này là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc biểu tình chiều 11/9 của hàng nghìn người Ai Cập trước cửa Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, và vụ tấn công đẫm máu vào Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, miền Đông Liya cùng ngày làm bốn quan chức Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens.
Theo thông tin mới nhất, thi thể của Đại sứ Stevens và ba quan chức khác đã được đưa về Mỹ. Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tham dự buổi lễ chuyển các thi hài cho gia đình. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Obama cam kết đưa các thủ phạm ra trước công lý.
Trong một diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc đã cử một trung đội Thủy quân lục chiến tăng cường an ninh cho đại sứ quán Mỹ ở Khartoum, sau khi đã tăng cường lực lượng tương tự tới Libyavà Yemen (Yêmen). Riêng tại Libi, các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ đã lập một đội đặc nhiệm với các vũ khí công nghệ cao và các công cụ tình báo tinh vi, sử dụng các phương pháp đã áp dụng nhiều năm qua tại Pakistan (Pakixtan), Afghanistan (Ápganixtan), Yemen và nhiều nơi khác. Nhiệm vụ của đội quân này là truy lùng những kẻ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi hôm 11/9.
TTXVN/Tin tức