Phát biểu tại một hội thảo khoa học quốc tế tại Seoul, ông Lee nêu rõ: "Trừng phạt là một cách để ngăn chặn Triều Tiên đưa ra những quyết định tồi, nhưng bản thân các biện pháp trừng phạt về cơ bản không giải quyết được vấn đề". Theo ông, trên thực tế, Triều Tiên đã duy trì phát triển hạt nhân trong nhiều thập kỷ bị áp đặt trừng phạt và gây sức ép. Vì vậy, nếu cho rằng trừng phạt mạnh hơn hay gia tăng sức ép có thể khiến Triều Tiên đột ngột từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân thì đó là "ảo tưởng".
Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2, diễn ra tại Việt Nam hồi tháng 2 vừa qua, không đạt được thỏa thuận nào do hai bên không thống nhất được về mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Đặc phái viên Hàn Quốc cho rằng dù kết quả hội nghị không như mong đợi, nhưng hai bên đã đạt được những tiến bộ đáng kể về một số vấn đề, giúp thu hẹp khác biệt và gần như có thể tiến tới một thỏa thuận.
Ông cũng cho rằng cách tiếp cận từ trên xuống, "cùng với quyết tâm chính trị và được hỗ trợ bởi sự tương tác có ý nghĩa cấp làm việc", là cách làm khả thi duy nhất để tìm kiếm một sự đột phá cho tình trạng bế tắc đàm phán hiện tại. Ông Lee lưu ý rằng các cuộc đàm phán thực chất hơn ở cấp làm việc là rất cần thiết, theo đó ông cho rằng việc các quan chức hai bên không thảo luận đầy đủ và tỉ mỉ về phi hạt nhân hóa và các biện pháp tương ứng trước khi tiến hành hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã dẫn tới kết quả hai nhà lãnh đạo không đạt thỏa thuận.
Đặc biệt, quan chức Hàn Quốc nhấn mạnh đàm phán Mỹ- Triêu Tiên, nếu được nối lại, cần phải đạt được kết quả sớm nhất có thể, "dù lớn hay nhỏ", để đẩy lùi "những ngờ vực mù quáng đối với Triều Tiên và sự hoài nghi đối thoại" - yếu tố mà ông cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nỗ lực hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.