Pfizer, BioNTech thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 ở phụ nữ mang thai

Hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) ngày 18/2 tuyên bố đã bắt đầu dự án nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của 4.000 tình nguyện viên nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine COVID-19 đối với các phụ nữ mang thai khỏe mạnh.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Ảnh:THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ mắc bệnh COVID-19 ở mức nghiêm trọng cho nên nhiều chuyên gia y tế đã đề xuất tiêm chủng cho phụ nữ mang thai làm việc trong những ngành nghề có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, nhưng hiện chưa có bằng chứng cho thấy vaccine có an toàn cho họ hay không. 

Tuần vừa qua, Viện Y tế Quốc gia Mỹ kêu gọi các dự án nghiên cứu vaccine COVID-19 cần phải nghiên cứu việc sử dụng vaccine cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, các hãng dược cho rằng trước hết họ phải đảm bảo vaccine an toàn và hiệu quả đối với người dân đại chúng. Tại Mỹ, cơ quan quản lý cấp phép yêu cầu các hãng dược phải tiến hành nghiên cứu mức độ an toàn của vaccine trên động vật có thai trước khi thử nghiệm cho phụ nữ mang thai để đảm bảo không ảnh hưởng tới thai nhi hoặc có thể dẫn đến sảy thai. Các hãng dược cho biết nghiên cứu đến nay chưa thấy có rủi ro nào và nhiều phụ nữ mang thai ở Mỹ đã được tiêm những liều vaccine đầu tiên.

Dự án sắp tiến hành sẽ nghiên cứu hiệu quả vaccine đối với phụ nữ có thai từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ, Canada, Argentina, Brazil, Chile, Mozambique, Nam Phi, Anh và Tây Ban Nha. Họ sẽ được tiêm chủng trong khoảng từ tuần 24-34 của thai kỳ, với 2 mũi tiêm cách nhau 21 ngày theo phác đồ đã được áp dụng trong thử nghiệm lâm sàng chung.

Trong khi đó, một nghiên cứu công bố trên tạp chính The Lancet số ra cùng ngày cho biết vaccine của hai hãng Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 85% trong liều tiêm đầu tiên. Nghiên cứu trên được thực hiện đối với hơn 7.000 nhân viên y tế tại Trung tâm y tế Sheba của Israel. Theo đó, đối với những người khỏe mạnh, vaccine của Pfizer-BioNTech giúp làm giảm 85% triệu chứng của bệnh COVID-19 trong khoảng từ 15-28 ngày sau khi họ được tiêm. Đối với những người mắc bệnh, gồm cả những người không có triệu chứng, tỷ lệ này là 75%. 

Pfizer cho biết hãng đang nghiên cứu dữ liệu thực của Israel và một số quốc gia khác nhằm tìm hiểu rõ sự hoạt động của vaccine ngừa COVID-19 hiện nay với những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trước đó, các nhà nghiên cứu Canada đã khuyến nghị về việc hoãn tiêm mũi vaccine thứ hai do mức độ an toàn cao của mũi thứ nhất đối với con người, qua đó có thể đảm bảo nhiều người hơn nữa được tiêm vaccine. 

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7 gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada) vận dụng “sự khéo léo tập thể” để cắt ngắn 2/3 thời gian phát triển vaccine ngừa COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại London, các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được phê duyệt tiêm đại trà cần khoảng 300 ngày để phát triển, nhưng Thủ tướng Anh Johnson muốn thời gian này giảm xuống còn 100 ngày, theo khuyến nghị của Liên minh các sáng kiến về chuẩn bị sẵn sàng đối phó trước dịch (CEPI). 

Chính phủ Anh đã yêu cầu Cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CEPI, ngành công nghiệp dược phẩm và các nhà khoa học khác để tư vấn cho G7 về một quy trình nhanh hơn trong việc phát triển các phương pháp tiêm chủng, điều trị và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh thông thường.

Ngoài ra, Chính phủ Anh cho biết nước này cũng sẽ chia sẻ số vaccine ngừa COVID-19 dư thừa trong tương lai cho chương trình phân phối vaccine COVAX do WHO đứng đầu trong nỗ lực giúp các nước đang phát triển. Thủ tướng Johnson cũng sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo G7 cam kết tài trợ thêm cho COVAX.

Hải Vân - Thanh Hương - Vân Nguyễn (TTXVN)
Israel thông báo hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19
Israel thông báo hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19

Maccabi, một trong bốn tập đoàn y tế lớn nhất của Isarel, đã thông báo hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 của vaccine Pfizer/BioNTech lên đến 95%, bằng đúng tỷ lệ thử nghiệm trước khi loại vaccine này được đưa ra thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN