Trong một tuyên bố, KPC cho biết sau khi tiến hành thảo luận, hai bên đã đưa ra quyết định này và KPC sẽ công bố lý do sau.
Phái đoàn Triều Tiên tới PyeongChang, Hàn Quốc để tham dự Paralympic PyeongChang 2018 ngày 7/3. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Triều Tiên đã đồng ý tham dự Paralympic mùa Đông theo lời mời từ Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC). Trước đó, Hàn Quốc và Triều Tiên từng nhất trí diễu hành chung trong lễ khai mạc Paralympic mùa Đông tại sân vận động Olympic ở thành phố PyeongChang, thuộc tỉnh Gangwon của Hàn Quốc. Đầu năm nay, IPC đã thông qua đề xuất để Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nhau diễu hành trong các buổi lễ của sự kiện thể thao này.
Ngày 7/3 vừa qua, phái đoàn Triều Tiên đến tham dự Paralympic mùa Đông 2018 đã đến làng vận động viên ở PyeongChang. Phái đoàn Triều Tiên gồm 24 thành viên. Trong lần đầu tiên tranh tài ở Paralympic mùa Đông này, Triều Tiên cử 6 vận động viên, song chỉ có 2 vận động viên tham gia tranh tài các môn thể thao trượt tuyết Bắc Âu.
Paralympic PyeongChang sẽ kéo dài từ ngày 9-18/3 tới.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon ngày 8/3 tuyên bố không thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên chỉ vì nước này chấp nhận đối thoại, đồng thời nêu rõ cuộc đối thoại cần có những tiến triển thuyết phục trước khi xem xét bất kỳ sự đền đáp nào.
Phát biểu trong cuộc họp với các thành viên Hội đồng Cố vấn Thống nhất Quốc gia đang làm việc tại Mỹ, Thủ tướng Lee nêu rõ: "Các biện pháp trừng phạt là quyết định của Liên hợp quốc (LHQ) và khó có thể tin rằng LHQ sẽ đưa ra quyết định nới lỏng các biện pháp trừng phạt chỉ vì đối thoại mới bắt đầu được tiến hành". Ông Lee cũng cho rằng giờ chưa phải lúc để dỡ bỏ trừng phạt.
Theo Thủ tướng Lee, Triều Tiên hoàn toàn hiểu rõ rằng nước này sẽ không thể nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào trong giai đoạn này. Cần có một sự tiến triển được Mỹ và cộng đồng quốc tế chấp nhận trong cuộc đối thoại liên Triều, cũng như đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng trước khi "các biện pháp thích hợp" được đưa ra. Ông nhận định việc hai miền Triều Tiên nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh không có nghĩa là mọi việc đã được giải quyết, mà đây chỉ là "sự khởi đầu thuận lợi".
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho rằng các quốc gia không nên nới lỏng lệnh trừng phạt chỉ vì Bình Nhưỡng thể hiện cởi mở hơn trong việc tham gia đàm phán, nhất là khi xét tới quá khứ Bình Nhưỡng từng kéo dài thời gian để phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa trong quá trình đàm phán. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ - Triều sớm khởi động đối thoại. Ông Vương Nghị cảnh báo lịch sử từng chỉ ra rằng khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên đứng trước cơ hội được tháo gỡ cũng là lúc nảy sinh nhiều trở ngại có thể làm gián đoạn các nỗ lực này.
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh phái đoàn cấp cao Hàn Quốc do Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Chung Eui-yong vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Bình Nhưỡng và trở về với nhiều thông tin tích cực. Hai miền Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào cuối tháng 4 tại làng đình chiến Panmunjeom, cũng như thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai bên. Triều Tiên cũng cam kết ngừng mọi hành động khiêu khích quân sự, trong đó có các vụ thử hạt nhân và tên lửa, trong khi tiến hành đối thoại với Hàn Quốc, đồng thời thể hiện sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc từ bỏ chương trình hạt nhân.