Palestine sẽ không chấp nhận kế hoạch hòa bình nào do Mỹ đề xuất

Ngày 22/12, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas tuyên bố người dân Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa bình nào do Mỹ đề xuất sau khi Washington đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris, Tổng thống Abbas cho rằng "Mỹ đã thể hiện vai trò của một nhà trung gian thiếu trung thực trong tiến trình hòa bình" và Palestine sẽ "không còn chấp nhận bất kỳ kế hoạch nào của nước này nữa". Tổng thống Abbas cũng chỉ trích đe dọa của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc cắt viện trợ tài chính cho các nước bỏ phiếu tại Liên hợp quốc (LHQ) phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Pháp AFP, nhà lãnh đạo Palestine đưa ra tuyên bố trên vào thời điểm chính quyền Mỹ đang bí mật soạn thảo một kế hoạch dự kiến sẽ đưa ra cho cả hai bên Palestine và Israel trong năm 2018.  

Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron tái khẳng định phản đối quyết định của Mỹ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, song ông cũng loại trừ việc Pháp đơn phương công nhận Nhà nước Palestine.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với nhà lãnh đạo Palestine, ông Macron nói: "Mỹ đã tự gạt mình ra ngoài lề và tôi đang cố gắng để không làm điều tương tự". Tổng thống Macron nhấn mạnh giải pháp 2 nhà nước sẽ giúp xây dựng hòa bình vững chắc.

Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục phản ứng sau khi Đại hội đồng LHQ (ĐHĐ LHQ) thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Bộ Ngoại giao Iraq đã ra tuyên bố hoan nghênh động thái này, coi đó là một "chiến thắng vì luật pháp quốc tế" và "vì người dân Palestine". Bộ Ngoại giao Iraq cũng tái khẳng định giữ vững lập trường của nước này trong vấn đề Palestine và Jerusalem.

Ngày 22/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm thảo luận về tình hình đàm phán hòa bình Trung Đông trong bối cảnh ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết về Jerusalem, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục ủng hộ hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel trên cơ sở các quy tắc quốc tế và thực hiện quyền của người Palestine được thành lập một nhà nước độc lập.

Cùng ngày tại Malaysia, Thủ tướng nước này Najib Razak đã dẫn đầu đoàn tuần hành gồm hàng nghìn người Hồi giáo nhằm bày tỏ tinh thần đoàn kết với người dân Palestine và lên án quyết định của Mỹ về Jerusalem.


Thủ tướng Najib Razak nêu rõ với tư cách là một nước thành viên LHQ, Malaysia thể hiện lập trường kịch liệt phản đối Mỹ đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nhà lãnh đạo Malaysia nhấn mạnh "đây không phải là vấn đề có thể quyết định đơn phương mà phải thông qua các cuộc thảo luận, bởi quyền lợi của người dân Palestine không thể bị gạt sang một bên".

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhấn mạnh "những đóng góp to lớn" của Mỹ cho LHQ, đồng thời cảnh báo kết quả cuộc bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ "sẽ tác động đến cách nhìn nhận của Mỹ" đối với các quốc gia không ủng hộ nước này.

Trước đó, sáng 21/12 (giờ New York), ĐHĐ LHQ đã tiến hành phiên họp đặc biệt để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kết quả, nghị quyết đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng.

TTXVN/Báo Tin tức
Sợ Mỹ cắt viện trợ, một loạt nước bỏ phiếu trắng nghị quyết Jerusalem
Sợ Mỹ cắt viện trợ, một loạt nước bỏ phiếu trắng nghị quyết Jerusalem

Sáng 21/12, nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã được thông qua với kết quả 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Tuy có số phiếu thuận áp đảo song kết quả này vẫn thấp hơn mong đợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN