Phát biểu tại Washington (Mỹ) nhân dịp tham dự các hội nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ishaq Dar cho biết một nghiên cứu mới được thực hiện với sự ủy nhiệm của WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy thiệt hại do đợt mưa lũ này tại Pakistan lên tới 32,4 tỉ USD và nước này sẽ cần 16,2 tỉ USD để tái thiết và phục hồi. Ông đánh giá có thể phải mất gần 3 năm Pakistan mới có thể phục hồi sau đợt lũ lụt này.
Tuy nhiên, ông Ishaq Dar cam kết Pakistan sẽ tiến hành các cải cách kinh tế bất chấp thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Bộ trưởng Dar nêu rõ: "Chúng tôi xác định cần phải hoàn tất một cách thành công chương trình cải cách này, cho dù phải nỗ lực hơn nữa". Theo ông, việc này "phát đi tín hiệu tích cực đến cộng đồng quốc tế và thị trường".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pakistan bày tỏ đánh giá cao các cam kết của cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả đợt lũ lụt nghiêm trọng.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Asim Iftikhar Ahmad cho biết ngày 30/8 vừa qua Pakistan kêu gọi hỗ trợ ban đầu khoảng 160 triệu USD và chỉ trong vòng vài tuần cộng đồng quốc tế đã cam kết hỗ trợ một phần lớn trong số này. Sau đó, ngày 4/10, Pakistan kêu gọi hỗ trợ 816 triệu USD và đến nay đã có các cam kết hỗ trợ hơn 205 triệu USD. Cuối tháng 8 vừa qua, IMF đã giải ngân 1,1 tỉ USD cho Pakistan trong gói cứu trợ 6 tỉ USD ký kết năm 2019 khi chính phủ mới của Thủ tướng Shehbaz Sharif thúc đẩy cải cách.
Trong báo cáo mới công bố, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) lo ngại lũ lụt có thể khiến mất an ninh lương thực tại Pakistan trầm trọng thêm và khoảng 5,7 triệu người ở các vùng chịu ảnh hưởng đối mặt với khủng hoảng lương thực trong khoảng từ tháng 9 - 11.