Trong báo cáo thường niên mà OPEC công bố ngày 9/10, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045, tăng 16,5% so với nhu cầu tiêu thụ ở mức 99,4 triệu thùng/ngày năm 2022. Trong báo cáo năm ngoái, tổ chức này dự báo mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045.
Tổng Thư ký OPEC, ông Haitham Al Ghais cho rằng nhu cầu dầu có “khả năng còn cao hơn nữa”, đồng thời giải thích thế giới sẽ tiếp tục cần nhiều năng lượng hơn trong những thập kỷ tới. Theo OPEC, sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ trên thị trường toàn cầu chủ yếu là do nhu cầu ngày càng cao của các nước mới nổi và đang phát triển, trong đó Ấn Độ được xem là có nhu cầu lớn nhất.
Để đáp ứng nhu cầu này, OPEC cho rằng sẽ cần đầu tư thêm vào hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch, theo đó cần đầu tư khoảng 14.000 tỷ USD vào năm 2045, tương đương khoảng 610 tỷ USD mỗi năm.
Theo Tổng Thư ký Al Ghais, việc đầu tư này đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ông cho rằng sẽ là sai lầm nếu kêu gọi ngừng đầu tư vào những dự án khai thác dầu khí mới vì những lời kêu gọi như vậy có thể dẫn đến sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng, kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế. Hôm 2/10, Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Suhail al-Mazrouei cũng cho rằng việc sẵn sàng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp đảm bảo giá nhiên liệu phù hợp đến tay người tiêu dùng.
Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã kêu gọi tạm ngừng đầu tư mới vào những dự án sản xuất nhiên liệu hóa thạch để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
OPEC đưa ra nhận định trên trong bối cảnh thế giới vẫn đang nỗ lực giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch để hạn chế những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra. Đây cũng sẽ là một trong những nội dung chính, thu hút mối quan tâm tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra tại Dubai (UAE) từ ngày 30/11 - 12/12 tới. Tại hội nghị, các nước sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá. Tuy nhiên, đã có một số quan ngại rằng các cuộc đàm phán tại hội nghị này có thể sẽ gặp nhiều chông gai và thử thách do có những nước nhất quyết duy trì vai trò của than, dầu và khí đốt tự nhiên.
Vài tuần trước khi khai mạc COP28, hôm 2/10, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của UAE kiêm Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), ông Sultan Al Jaber, cho biết đến nay đã có hơn 20 công ty dầu khí hưởng ứng lời kêu gọi cắt giảm khí thải để ngăn chặn biến đổi khí hậu.