Tổng thống đắc cử Donald Trump ủng hộ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.
|
Dường như không bị ảnh hưởng bởi những báo cáo tình báo mới nhất cáo buộc Moskva can thiệp bầu cử Mỹ, trong một status đăng trên Facebook và ba dòng tweet có cùng nội dung được đăng trên Twitter vào ngày 7/1 (giờ địa phương) ông Trump tuyên bố: "Có mối quan hệ tốt với Nga là điều tốt, không phải xấu. Chỉ những kẻ 'ngu ngốc', hoặc gã khờ, mới nghĩ nó là xấu. Chúng ta đã có đủ thứ chuyện khắp thế giới rồi, chẳng cần thêm một rắc rối nào nữa. Khi tôi là Tổng thống, nước Nga sẽ tôn trọng chúng ta hơn nhiều so với hiện giờ và cả hai nước, có lẽ, sẽ cùng nhau giải quyết một số trong nhiều vấn đề lớn và đầy áp lực của thế giới".
Status đăng ngày 7/1 trên Facebook của ông Trump.
|
Trước đó, ngày 6/1, các cơ quan tình báo Mỹ công bố bản báo cáo cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch nhằm tăng cơ hội chiến thắng cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump, bằng cách làm giảm uy tín của ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton trong chiến dịch bầu cử năm 2016.
Theo bản báo cáo trên, mục đích của Nga là nhằm làm xói mòn uy tín của công chúng trong tiến trình dân chủ tại Mỹ, bôi nhọ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, qua đó khiến bà gặp khó khăn hơn trong việc giành chiến thắng, hoặc gây phương hại cho bà Hillary trên cương vị tổng thống nếu bà thắng cử. Bản đánh giá có đoạn viết: “Chúng tôi đánh giá Putin và Chính phủ Nga đã phát triển một nỗ lực (theo hướng) thiên vị cho Tổng thống đắc cử Trump”.
Phiên bản giải mật báo cáo Đánh giá Cộng đồng tình báo về nỗ lực của Nga can thiệp bầu cử Mỹ, công bố ngày 6/1. Ảnh: AP |
Báo cáo cho hay các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) của Nga đã sử dụng một số công cụ trung gian như trang mạng WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để phát tán nhiều bức thư điện tử thu thập được từ Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ, cũng như từ các chính khách Dân chủ hàng đầu khác.
Cho tới nay, Nga vẫn phủ nhận mọi cáo buộc của Chính phủ Mỹ về việc Moskva tấn công mạng nhằm vào chiến dịch bầu cử tại Mỹ.
Về phần mình, trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với hãng tin AP hôm 6/1, ông Trump cho biết ông "học được rất nhiều" từ những cuộc trao đổi với các quan chức tình báo, nhưng ông từ chối cho biết liệu có chấp nhận đánh giá của họ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông.
Sau khi đọc báo cáo tình báo mật trên, ông Trump đã đưa ra một bản tuyên bố dài 1 trang trong đó không đưa ra đánh giá về hành động can thiệp của Nga, mà thay vào đó ông khẳng định "hoàn toàn không có tác động nào đến kết quả bầu cử" và "không có bất cứ thứ gì có thể làm xáo trộn những chiếc máy kiểm phiếu".
Ông Trump trước đó từng cho biết, ông sẽ bổ nhiệm một ê kíp có nhiệm vụ trong vòng 3 tháng sau khi ông nhậm chức sẽ lập một kế hoạch "quyết liệt chiến đấu và ngăn chặn nạn tấn công mạng". Hôm 7/1, Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết muốn bổ nhiệm Thượng nghị sĩ nghỉ hưu Dan Coats, vốn là cựu thành viên của Uỷ ban Tình báo Thượng viện, giữ cương vị Giám đốc tình báo quốc gia.
Trong khi đó, ngày 7/1, cựu Thống đốc bang Arkansas của Mỹ, ông Mike Huckabee, hiện là bình luận viên của kênh truyền hình "Fox News", nhận định nhiều người Mỹ không tin rằng bằng cách nào đó Nga có thể can thiệp vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trả lời phỏng vấn về hiệu ứng của các phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ về các cuộc tấn công của tin tặc, vốn được cho là do Moskva thực hiện nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, ông Mike Huckabee nói: "Hiệu ứng rất nhỏ. Bởi vì đa số người dân Mỹ không tin rằng Nga đã tác động vào kết quả bầu cử".