Thượng nghị sỹ John Kerry, người được Tổng thống Barack Obama đề cử làm Ngoại trưởng thay bà Hillary Clinton, ngày 24/1 đã ra điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ. Phát biểu trong cuộc điều trần tại ủy ban mà ông đã từng làm việc 29 năm, trong đó 4 năm qua giữ chức Chủ tịch, TNS Kerry đã kêu gọi có "cách nghĩ mới" khi ông phác thảo chương trình chính sách ngoại giao và lên các kế hoạch cho các mối quan hệ với Iran, Trung Quốc và Trung Đông, cũng như các vấn đề toàn cầu khác.
Ông John Kerry đứng trước nhiều thách thức trong cương vị mới. Ảnh: Internet. |
Ông Kerry tuyên bố chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ không được xác định bằng các máy bay không người lái và những cuộc triển khai quân, mà còn là viện trợ, an ninh lương thực, chống thảm họa và nghèo đói.
Về hòa bình Trung Đông, ông Kerry cho biết thúc đẩy vòng đàm phán hòa bình mới sẽ là một trong những ưu tiên, nếu ông trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Ông đã nói bóng gió về việc "có sẵn kế hoạch trong tay áo" nhằm tái khởi động các cuộc hòa đàm bế tắc lâu nay, song cũng cảnh báo rằng cánh cửa dẫn tới "giải pháp hai nhà nước" có thể bị khép lại và nếu vậy, đó sẽ là một thảm họa. Tuy nhiên, ông Kerry từ chối công khai cách thức có thể khôi phục tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Kerry nói rằng ông sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, dù vẫn cảnh báo một chặng đường dài khó khăn đang ở phía trước. Ông nêu rõ quan điểm muốn phát triển tái cân bằng, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cái gọi lại chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đồng thời Washington cũng không bỏ rơi bất kỳ khu vực nào khác.
Tuy nhiên, ông Kerry dường như bác bỏ bất kỳ động thái nào theo hướng tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Về vấn đề Iran, vị TNS có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh và đối ngoại một mặt bày tỏ hy vọng về những tiến triển về ngoại giao, mặt khác cũng thẳng thừng tuyên bố nước Mỹ "sẽ làm mọi việc cần phải làm" để ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong cuộc điều trần, ông Kerry cũng bị các nghị sỹ chất vấn về một loạt vấn đề, từ việc trước đây ông từng gặp gỡ nhiều lần với Tổng thống Syria đến các mối lo ngại của đảng Cộng hòa về các quan điểm của ứng cử viên chức Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.
Với Syria, mặc dù không mấy lạc quan, nhưng ông Kerry cho rằng điều cần thiết và bắt buộc là phải tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác của Nga và các nước khác. Ông Kerry cũng cam kết hết sức ủng hộ việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, hối thúc Mỹ tăng cường sự hiện diện tại châu Phi và tái can dự vào cuộc chiến chông buôn bán ma túy ở Mỹ Latinh.
Trước cuộc điều trần, ông Kerry từng phát biểu cho rằng nếu muốn tiếp tục giữ vai trò "lãnh đạo toàn cầu" thì nước Mỹ trước hết phải ổn định lĩnh vực tài chính và đẩy nhanh đà phục hồi của nền kinh tế. Ông Kerry cũng đã lên tiếng bảo vệ và ủng hộ việc đề cử ông Hagel, với tuyên bố khẳng định vị cựu TNS này xứng đáng với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng và là người sẽ không bao giờ làm suy yếu kho vũ khí hạt nhân, công cụ răn đe và ngăn chặn, truyền thống của nước Mỹ.
Trong gần suốt cuộc điều trần kéo dài 4 tiếng của mình, ông Kerry đã trình bày quan điểm về một số thách thức hàng đầu hiện nay trên thế giới bằng một phương thức cẩn trọng, không đối đầu và ông đã nhận được sự hoan nghênh cũng như sự đón nhận nồng nhiệt từ các nghị sĩ của cả hai đảng.
Dự kiến, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về quyết định đề cử ông Kerry giữ chức ngoại trưởng vào ngày 29/1, mở đường cho toàn thể Thượng viện nhanh chóng bỏ phiếu.
Ông Kerry là một trong 3 quan chức đã được đề cử vào ê kíp đối ngoại và an ninh quốc gia trong chính quyền Obama nhiệm kỳ hai. Sau ông Kerry, trong hai tuần tới, cựu Thượng nghị sỹ Chuck Hagel và cố vấn chống khủng bố John Brennan cũng sẽ ra điều trần về cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA).
TTXVN/Tin tức