Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Tổng thống Donald Trump từng khẳng định ông sẽ đạt thỏa thuận với Triều Tiên “rất nhanh chóng” nếu tái đắc cử.
Phía Triều Tiên trong khi đó phản hồi rằng Chủ tịch Kim Jong-un vẫn có mối quan hệ tốt với Tổng thống Trump và hai bên cũng chuẩn bị cho viễn cảnh ông không tái đắc cử. Ông Trump là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ từng gặp gỡ trực tiếp Chủ tịch Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần đầu là tại Singapore năm 2018. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiếp tục gặp gỡ hai lần nữa, trao đổi “những lá thư đẹp” tuy nhiên chưa thể giải quyết khúc mắc liên quan đến vũ khí hạt nhân và lệnh trừng phạt.
Năm 2019, Bình Nhưỡng chỉ trích ông Biden về phát ngôn không tôn trọng Chủ tịch Kim Jong-un. Cựu Phó Tổng thống Biden tuyên bố ông sẽ không gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu các điều kiện tiên quyết chưa được đáp ứng.
Cựu Phó Tổng thống Biden từng thừa nhận với tờ The New York Times rằng ông chủ trương không duy trì ngoại giao cá nhân với Chủ tịch Kim Jong-un và nhấn mạnh sự kiện này chỉ nên xảy ra nếu cả hai bên có “chiến lược thực sự hướng tới phi hạt nhân”.
Ông Biden từng là “phó tướng” của Tổng thống Barack Obama. Do vậy, một số chính sách của ứng cử viên đảng Dân chủ này sẽ tương đồng với “chiến thuật kiên nhẫn” của ông Obama với chủ trương cô lập Triều Tiên và không “trao phần thưởng ngoại giao”.
Nhưng ông Biden không đóng hoàn toàn cánh cửa ngoại giao mà thay vào đó hướng đến “thi hành nỗ lực hợp tác và bền vững với các đồng minh, đối tác” để gây áp lực và khuyến khích Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân.
Nhà nghiên cứu James Kim tại Viện nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc) nhận định cam kết của ông Biden hợp tác chặt chẽ với đồng minh có thể gây khó khăn cho nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ông Evans Revere, từng là thành viên đoàn đại biểu Mỹ đàm phán với Triều Tiên, đánh giá: “Nếu ông Biden giành chiến thắng trong tháng 11 tới, khả năng Triều Tiên có động thái gây bất ngờ vào cuối năm nay như thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), để cảnh báo chính quyền mới”.
Bà Jung Pak tại Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) trong khi đó đưa ra ý kiến cá nhân: “Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân và ICBM có thể tạo cơ hội cho chính quyền mới nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Bình Nhưỡng và xây dựng sự đồng lòng hoặc thỏa thuận với đồng minh của chúng ta về một chính sách chặt chẽ về Triều Tiên”.
Tối 20/8 (giờ địa phương), cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu tại Đại hội Toàn quốc trực tuyến đảng Dân chủ, chính thức chấp nhận đề cử và trở thành ứng viên Tổng thống của đảng này tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.
Đây là lần thứ 3 ông Biden tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, trước đó là vào năm 1988 và năm 2008. Bên cạnh đó, ông Biden đã lựa chọn nữ Thượng nghị sĩ Kamala Harris là ứng cử viên tranh cử phó tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng cùng ông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một người phụ nữ da màu được chọn tranh cử ghế phó tổng thống Mỹ.