Theo Ban tổ chức, đây là kỳ Olympic mùa Đông có nhiều vận động viên tham gia nhất từ trước tới nay. Kỷ lục trước đó thuộc về Olympic Sochi 2014, khi đó có 2.800 vận động viên đại diện cho 88 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài.
Các vận động viên Triều Tiên tại làng Olympic Gangneung ngày 8/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Lần này ở Pyeongchang, nhiều quốc gia không nổi tiếng trong các bộ môn thể thao mùa Đông như Timor Leste hay Ấn Độ cũng cử vận động viên đến tranh tài. Một điều thú vị khác là một vận động viên của Tonga từng tham dự Olympic mùa Hè sẽ tranh tài tại Olympic mùa Đông lần này và châu Phi lần đầu tiên có một đội tuyển trượt băng tốc độ lòng máng tham gia Thế vận hội mùa Đông.
Hai quốc gia luôn áp đảo tại các kỳ Olympic mùa Đông là Mỹ và Canada đã gửi hai phái đoàn rất hùng hậu đến Pyeongchang. Đoàn thể thao Mỹ gồm 242 vận động viên, trong khi đoàn Canada có khoảng 230 vận động viên. Ngoài ra, Ban tổ chức thông báo sẽ trao tăng 102 bộ huy chương tại Olympic Pyeongchang 2018. Các tấm huy chương, có khối lượng từ 586 gram (huy chương vàng) đến 493 gram (HC đồng), phản ánh truyền thống và văn hoá của nước chủ nhà.
Thiết kế của những tấm huy chương này lấy cảm hứng từ kết cấu thân cây, với mặt trước mang vòng tròn Olympic và đường chéo năng động phản ánh lịch sử của Olympic và sự quyết tâm của những người tham gia. Trên tấm huy chương cũng khắc biểu tượng PyeongChang 2018.
Dù không vận động viên nào thi đấu cho "màu cờ sắc áo" của Tòa thánh Vatican trên các đường băng ở Jeongseon, hay các sân trượt băng nghệ thuật tại Cung Olympic Gangneung, nhưng ông Sanchez de Toca, phụ tá Thư ký Hội đồng Tòa thánh Vatican về Văn hóa sẽ có mặt tại Pyeongchang trong buổi lễ khai mạc. Đáp lại lời mời của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), phái đoàn Vatican đến Pyeongchang với tư cách "quan sát viên hòa bình".
Như thông lệ, mỗi kỳ Olympic đều có rất nhiều các biểu tượng đi kèm. Tại Pyeongchang lần này, ngoài sự hiện diện của đoàn thể thao Triều Tiên, công trình được chú ý đến nhiều nhất là Bức tường Hòa Bình được dựng lên ở Ngôi làng Olympic.
Bức tường Hòa bình Pyeongchang thực ra là một cây cầu. Tác giả là họa sĩ, kiến kiến trúc sư Yi Je Seok. Ông lấy cảm hứng từ thông điệp hòa bình của Giáo hoàng Francis rằng việc xây dựng những cây cầu, chứ không phải là những bức tường, sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân trên thế giới.
Trong thời gian diễn ra Olympic PyeongChang từ ngày 9-25/2, nhiều vận động viên sẽ ký tên lên bức tường này, và tác phẩm sẽ được trưng bày vĩnh viễn tại PyeongChang như một di sản của Thế vận hội mùa Đông đầu tiên tại Hàn Quốc.