Theo kế hoạch, sự kiện thể thao mùa Đông nói trên sẽ được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh và tỉnh lân cận là Hà Bắc từ ngày 4-20/2 năm nay. Cả hai địa điểm này đều có nguy cơ đối diện với tình trạng khói mù dày đặc. Người phát ngôn Liu Youbin cảnh báo thời tiết mùa Đông “rất bất lợi” cho nỗ lực gìn giữ bầu không khí trong sạch.
Theo ông, Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc có thể thực hiện các biện pháp hành chính cần thiết trong quá trình chuẩn bị và tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới sắp tới bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với các doanh nghiệp và phương tiện có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao.
Quan chức Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc nhấn mạnh thêm rằng hai tỉnh thành trên sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp nếu có cảnh báo ô nhiễm nặng trong thời gian diễn ra Olympic. Tuy nhiên, mục tiêu chung vẫn là cố gắng giảm thiểu tác động của mọi biện pháp đối với nền kinh tế, đồng thời sẽ đảm bảo 100% công suất hoạt động tại các doanh nghiệp trong các ngành quan trọng như năng lượng hoặc phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Kể từ năm 2015 khi giành quyền đăng cai Olympic Mùa Đông, giới chức Trung Quốc sở tại đã cố gắng nâng cao các tiêu chuẩn nhiên liệu đối với các phương tiện giao thông cũng như đóng cửa các công ty gây ô nhiễm và giảm mức tiêu thụ than đá nhằm đảm bảo tổ chức một Olympic "xanh". Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bộ Sinh thái và môi trường, sáng 24/1, tại Bắc Kinh, nồng độ các hạt bụi mịn (PM2.5) độc hại trong không khí – một “thước đo” chính của khói bụi - ở mức 205 microgam (µg)/m3, cao hơn 41 lần so với mức khuyến nghị an toàn 5 µg/m3 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra năm 2021.
Năm ngoái, mật độ trung bình PM2.5 tại thủ đô Bắc Kinh đã giảm 13% xuống 33 µg/m3 và là lần đầu tiên đạt tiêu chuẩn 35 µg/m3 của Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 6 lần so với mức khuyến nghị nói trên của WHO và thậm chí cao hơn đáng kể trong mùa Đông.
Bụi mịn PM2.5 là loại bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc của người. Loại bụi này chủ yếu sản sinh ra từ khí thải giao thông (các loại xe cơ giới chạy bằng dầu diesel thông thường), hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, cháy rừng... Bụi là hỗn hợp các hợp chất dạng rắn hoặc lỏng trong không khí. Dù chỉ một lượng bụi nhỏ xâm nhập vào máu qua hệ hô hấp cũng có nguy cơ gây bệnh hen suyễn, ung thư phổi và các bệnh về tim mạch.