Đây là một phần nội dung trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) có tựa đề "Khó thở: Bằng chứng mới về ô nhiễm không khí và sức khỏe tại Bangladesh" công bố ngày 4/12.
Báo cáo nêu tác hại của ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đối với sức khỏe những người dễ bị tổn thương như trẻ dưới 5 tuổi, người già và người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh về tim mạch và hô hấp.
Theo báo cáo, khu vực có mật độ công trình xây dựng và giao thông đông đúc ở thủ đô Dhaka là nơi ô nhiễm không khí nhất. Tại đây, mật độ tập trung bụi mịn PM2.5, vốn được xem là nguy hại nhất đối với sức khỏe con người, trung bình cao hơn 150% so với Quy định Chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người, báo cáo của WB đề xuất một loạt các hành động cấp thiết như cải thiện dịch vụ y tế công và các cơ chế ứng phó, nâng cấp hệ thống giám sát dữ liệu ô nhiễm không khí, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm và mở rộng hơn nữa các nghiên cứu liên quan.
Quyền Giám đốc của WB tại Bangladesh và Bhutan, bà Dandan Chen cho biết ô nhiễm không khí là mối đe dọa đối với sức khỏe của cả trẻ nhỏ và người già. Trong năm 2019, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây chết người và tàn tật đứng thứ 2 ở Bangladesh, khiến nước này thiệt hại từ 3,9 đến 4,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 78.000 đến 88.300 người ở Bangladesh trong năm 2019.
Theo bà Dandan Chen, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng xanh, bền vững của Bangladesh. Trong khi đó, ông Wameq Azfar Raza, chuyên gia y tế của WB chủ nhiệm báo cáo, cho biết ô nhiễm không khí gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu là nguyên nhân làm cho chất lượng không khí tồi tệ hơn.
Theo thời gian, biến đổi khí hậu và đô thị hóa sẽ làm gia tăng ô nhiễm không khí. Do đó, ông khuyến nghị ngành y tế cần chuẩn bị tốt để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế sắp xảy ra do ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.