Binh sĩ Nga trong trang phục của Hồng quân tham gia mít tinh kỷ niệm cuộc diễu binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 7/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu của Công ty Nga “Medialogia” chuyên nghiên cứu về hoạt động truyền thông, riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, trên các phương tiện truyền thông đại chúng Nga đã có 114,6 nghìn tin, bài về chủ đề Cách mạng Tháng Mười năm 1917, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (48,7 nghìn tin, bài). Điều này phản ánh một thực tế: xã hội Nga hết sức quan tâm đến dịp kỷ niệm chẵn 100 năm cuộc cách mạng làm “rung chuyển thế giới” như nhà báo Mỹ John Reed đã ca ngợi trong cuốn sách xuất bản năm 1919.
Nhưng cũng có một thực tế nữa: các tầng lớp trong xã hội Nga, các lực lượng chính trị, giới sử học Nga bước vào năm 2017 với tâm trạng, quan điểm khác nhau đối với những sự kiện lịch sử một thế kỷ trước. Đặc biệt, đã có một thế hệ mới các công dân Nga, trong đó nhiều người sinh ra sau khi Liên bang Xô-viết tan rã năm 1991, không hiểu rõ những diễn biến chính trị - xã hội ở nước Nga trước, trong và sau năm 1917, không hình dung được sự tồn tại và phát triển của Liên Xô trong gần 7 thập niên. Do đó, xã hội Nga hiện nay có sự chia rẽ xung quanh việc đánh giá lịch sử cách mạng.
Sẽ rất nguy hiểm nếu sự chia rẽ trong xã hội Nga bị khoét sâu, nhất là nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười. Sự chia rẽ sẽ là vật cản quá lớn trên con đường phát triển của nước Nga khi quốc gia lớn nhất thế giới và trải qua nhiều thăng trầm lịch sử này đang đứng trước nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.
Chính vì vậy, Tổng thống Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Nga quan tâm tìm mọi cách bảo đảm cho các hoạt động kỷ niệm 100 năm cách mạng ở nước Nga đem lại kết quả mong muốn, nhất là xã hội hòa hợp, đồng thuận để nước Nga đoàn kết, thống nhất vững bước tiến vào tương lai.
Tổng thống V. Putin đã nhiều dịp nói về Cách mạng Tháng Mười. Trong Thông điệp liên bang ngày 1/12/2016, ông nhấn mạnh năm 2017 “là dịp quan trọng để một lần nữa nhìn nhận lại nguyên nhân và bản chất của cách mạng ở nước Nga. Không riêng các nhà sử học, các nhà khoa học mà toàn xã hội Nga cần sự phân tích khách quan, thẳng thắn và sâu sắc về những sự kiện đó”.
Tổng thống Putin khẳng định “cách mạng năm 1917 đã là lịch sử chung” của toàn thể nước Nga, “những bài học lịch sử rất cần trước hết để hòa giải, để củng cố đồng thuận xã hội”. Và ông cho rằng “không thể chấp nhận để tình trạng chia rẽ, hận thù, oán giận và sự khốc liệt của quá khứ kéo dài đến tận ngày nay khi chúng ta là một dân tộc thống nhất, Tổ quốc của chúng ta chỉ có một là nước Nga”.
Từ năm 2015, ở LB Nga đã thống nhất các nội dung giảng dạy lịch sử trong trường phổ thông, theo đó, Cách mạng Tháng Mười và các sự kiện lịch sử năm 1917 được gọi chung trong khái niệm “cách mạng năm 1917 ở Nga”. Đây là "quan điểm chính thống" ở Nga hiện nay. Giải thích vấn đề này, Tiến sĩ khoa học S. Naryshkin, Chủ tịch Hội Sử học Nga, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại, nguyên Chủ tịch Đuma quốc gia Nga khóa VI, cho biết: giới sử học Nga coi “cách mạng năm 1917 ở Nga” là một tiến trình bao gồm nhiều sự kiện, từ cuộc cách mạng Tháng Hai làm sụp đổ chế độ quân chủ Nga đến cuộc cách mạng Tháng Mười đưa những người bônsêvích lên cầm quyền cho đến thời điểm kết thúc cuộc nội chiến.
Ông S. Naryshkin nêu rõ “những giá trị về đoàn kết thống nhất, đồng thuận công dân, không để xã hội bị chia rẽ đến mức cực đoan dẫn tới nội chiến là bài học cơ bản của cách mạng”. Tại hội nghị bàn tròn với chủ đề “100 năm cuộc Cách mạng Nga vĩ đại: hiểu đúng để tăng cường đoàn kết” do Bộ Văn hóa Nga phối hợp Viện Hàn lâm khoa học, một số hội khoa học và nhà trường ở Nga tổ chức, Bộ trưởng Văn hóa Nga V. Medinski nêu rõ: “Cách mạng Nga vĩ đại năm 1917 mãi mãi là một trong những sự kiện quan trọng nhất thế kỷ 20”. Ông cho rằng việc còn có những ý kiến khác nhau trong giới khoa học về sự kiện Cách mạng Tháng Mười “là hoàn toàn bình thường”, nhưng đó chỉ là lý do để cùng nhau đối thoại làm rõ mọi vấn đề chứ không phải là cái cớ dẫn tới xung đột.
Cuối năm 2016, Tổng thống V. Putin ban hành chỉ thị, giao cho Hội Sử học Nga chủ trì, các chính đảng, đoàn thể xã hội, nhà trường, chính quyền các cấp tham gia phối hợp, các hoạt động nhân dịp 100 năm cách mạng năm 1917 ở Nga. Hơn 120 hoạt động lớn được tổ chức trong suốt năm 2017 ở cấp trung ương, gần 1.000 hoạt động được tiến hành ở các địa phương Liên bang Nga.
Đây phần lớn là các cuộc hội nghị khoa học, hội thảo, tọa đàm, triển lãm tài liệu lưu trữ, sách báo, ảnh, chiếu phim… giúp nhìn lại các sự kiện năm 1917; phân tích, đánh giá bài học lịch sử, vai trò của cách mạng và vị thế của nước Nga trên thế giới; giới thiệu chặng đường lịch sử 100 năm của Nga. Nhiều hoạt động trong số đó có sự tham gia của đại biểu quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều lực lượng chính trị Nga vẫn tổ chức những hoạt động kỷ niệm theo chương trình riêng. Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) không chia sẻ “quan điểm chính thống” về năm 1917 lịch sử. KPRF chủ trương tách bạch hai cuộc cách mạng một thế kỷ trước - Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười. KPRF có rất nhiều hoạt động trong năm 2017 với cao trào là những ngày đầu tháng 11.
Đó là Cuộc gặp quốc tế lần thứ 19 các đảng Cộng sản và Công nhân; Diễn đàn quốc tế các lực lượng cánh tả “Tháng Mười 1917 - bước đột phá lên chủ nghĩa xã hội”; mít-tinh trọng thể kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại tại Moskva và Saint Peterburg; các cuộc biểu tình, tuần hành ở nhiều thành phố, địa phương kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, tôn vinh quân đội và hải quân Xô-viết, vinh danh Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại; hội thảo về bài học của Cách mạng Tháng Mười, về di sản lý luận của lãnh tụ V.I Lenin (Lênin), về kinh tế Nga... Trước đó, Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) ra lời kêu gọi nêu bật ý nghĩa vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười, khẳng định quyết tâm của KPRF tiếp tục đấu tranh vì những lý tưởng Tháng Mười.
Đã có nhiều cuộc thăm dò dư luận xã hội về Cách mạng Tháng Mười, về năm 1917 được tổ chức tại Nga trong dịp này. Theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây do Trung tâm Nghiên cứu dư luận toàn Nga tiến hành, người Nga hiện nay có đánh giá nhìn chung là tích cực hơn những năm trước về thành quả, tác động của cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 đối với đất nước.
Khoảng 38% số người được hỏi ý kiến cho rằng Cách mạng Tháng Mười “đã tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, gần 23% số người trả lời đồng tình với nhận định cuộc cách mạng này “đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga”. Và điều đáng chú ý, không chỉ những người cao tuổi mới khẳng định điều đó. Đại diện lớp trẻ Nga cũng có suy nghĩ như vậy. Một kết quả nữa có tính chất như một bài học: nhìn lại nguyên nhân chính dẫn đến Cách mạng Tháng Mười năm 1917, có 45% số người Nga cho rằng đó là do tình cảnh người dân Nga một thế kỷ trước quá khốn khó, nặng nề.