Ông được xem là một trong những nhà hoạt động vì quyền con người có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử nước Mỹ và được ghi danh vào lịch sử nhân loại như một người có tấm lòng bác ái cùng sức cảm hóa đặc biệt.
Người dân tham dự lễ tưởng niệm Martin Luther King tại Washington DC., Mỹ ngày 15/1. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại một đất nước ít nhiều vẫn còn rạn nứt vì chia rẽ sắc tộc, hàng nghìn người dân đã tổ chức diễu hành trên mọi nẻo đường trong thành phố Memphis, bang Tennessee, nơi vị mục sư đáng kính và cũng là người từng được trao Giải Nobel Hòa bình, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 39 khi bị một đối tượng da trắng bắn chết ngày 4/4/1968.
Vào đúng 18h theo giờ địa phương (6h sáng 5/4 theo giờ Việt Nam), hàng loạt tiếng chuông đã ngân vang tổng cộng 39 lần trên khắp thành phố Memphis và khắp cả nước Mỹ để tưởng nhớ một biểu tượng của lòng quả cảm, bác ái, dành gần cả cuộc đời để nỗ lực mang lại sự thay đổi cho cuộc sống của người dân Mỹ. Ông ra đi khi ước mơ cháy bỏng về một tương lai nước Mỹ, khi người da trắng và người da màu có thể sống chung hòa thuận, bình đẳng vẫn còn dang dở.
Phát biểu trước hàng nghìn người dân, trong đó có cả một số quan chức, ngay tại khách sạn Lorraine nơi Martin Luther King ngã xuống, nhà hoạt động vì quyền con người nổi tiếng Reverend Jesse Jackson đã nhắc lại thời khắc kinh hoàng trên, song khẳng định những người đấu tranh vì tự do dân quyền "chưa bao giờ thôi đấu tranh và không bao giờ từ bỏ" mục tiêu đưa xã hội Mỹ tiến tới sự công bằng. "Từ nơi này", vị mục sư 76 tuổi nêu rõ, "chúng ta đã quyết định sẽ không để một viên đạn đặt dấu chấm hết cho một phong trào".
Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Martin Luther King khi tuyên bố ngày 4/4/2018 là ngày vinh danh nhà hoạt động vì quyền của con người vĩ đại này. Trong tuyên bố của mình, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh không phải Chính phủ Mỹ mà chính người dân Mỹ sẽ nỗ thực hiện những lý tưởng của Martin Luther King. Trong khi đó, cựu Tổng thống Barack Obama, vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, cũng tưởng nhớ vị mục sư với thông điệp nhấn mạnh tầm nhìn của Martin Luther King đã truyền tải lòng dũng cảm cho người dân Mỹ.
Sinh ngày 15/1/1929, cũng như rất nhiều người Mỹ gốc Phi lớn lên trong thời kỳ đó, mục sư Martin Luther King đã phải chứng kiến và cũng từng là nạn nhân trực tiếp của nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ. Do đó, ngay từ thời sinh viên, ông đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và chống nạn phân biệt chủng tộc.
Trong suốt 12 năm đấu tranh, ông đã đi qua nhiều nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết để truyền cảm hứng và niềm tin cho cộng đồng. Bài diễn văn bất hủ "Tôi có một giấc mơ" (I have a dream) mang theo niềm tin về một xã hội công bằng và bình đẳng trong tương lai, nơi mỗi công dân đều được hưởng quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc vẫn thường xuyên xuất hiện trong danh sách những bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20.
50 năm sau ngày Martin Luther King qua đời, nước Mỹ vẫn đang nỗ lực vì một giấc mơ xã hội công bằng, nơi con người được đánh giá không phải vì màu da, tài sản hay tôn giáo, sắc tộc..., mà được tôn trọng bởi nhân cách, phẩm giá và năng lực. Và dù đã nửa thế kỷ trôi qua, nhân loại tiến bộ trên thế giới vẫn nhớ Martin Luther King như một trong những nhân vật "sống vĩ đại và ngã xuống vinh quang" vì sự nghiệp đấu tranh cho quyền con người.