Đảo quốc Nam Thái Bình Dương cung cấp cho các du khách nhiều trải nghiệm đòi hỏi cả sự mạo hiểm và thể lực, từ trượt tuyết trên những ngọn núi tuyết phủ trắng xóa cho đến du ngoạn trên khinh khí cầu và thám hiểm khám phá hang động. Một số hoạt động như trò zorbing (chui vào quả bóng bơm hơi lăn từ trên đồi xuống) được sáng tạo tại New Zealand, một quốc gia tự hào là điểm đến dành cho những du khách gan dạ. Nhìn chung, ngành du lịch là một trong số những ngành mang lại nguồn thu nhập lớn nhất tại đảo quốc này khi tạo ra khoảng 16,2 tỷ đô la New Zealand (10,7 tỷ USD) và thu hút khoảng 3,8 triệu lượt du khách quốc tế mỗi năm.
Giáo sư Michael Lueck tại Đại học Công nghệ Auckland, nhận định du lịch mạo hiểm là một ngành quy mô lớn ở New Zealand. Đảo quốc này hiện đang tự quảng bá là “thủ đô phiêu lưu của thế giới". New Zealand cũng nổi tiếng với phong cảnh trùng điệp hiểm trở, từng xuất hiện ở nhiều cảnh quay trong bộ phim ăn khách "Lord of the Rings" (Chúa tể những chiếc nhẫn) của đạo diễn Kiwi Peter Jackson.
Các chuyến đi trong ngày tới đảo Trắng không chỉ đưa du khách thăm quan hòn đảo tuyệt đẹp ngoài khơi ven biển phía Bắc này mà còn mang tới cơ hội trải nghiệm cảm giác đứng trên một ngọn núi lửa đang hoạt động. Tuy nhiên, ít nhất 16 người đã thiệt mạng và hàng chục trường hợp bị bỏng nặng khi 47 du khách cùng các hướng dẫn viên du lịch mắc kẹt trên đảo tại thời điểm núi lửa đảo Trắng phun trào hôm 9/12 vừa qua. Thảm họa này đã đặt ra câu hỏi về lý do tại sao khách du lịch được phép tiếp cận núi lửa nơi các chuyên gia gần đây đã liên tục gia tăng mức cảnh báo về nguy cơ đe dọa.
Thảm họa trên đảo Trắng không phải là vụ việc gây thương vong hàng loạt lần đầu tiên ảnh hưởng tới du khách tại New Zealand. Năm 2015, 7 người đã tử vong khi một máy bay trực thăng lao xuống sông băng Fox. Trước đó 2 năm, một khinh khí cầu rơi đã cướp đi 11 mạng sống. Năm 2010, 9 người chết khi một máy bay chở du khách tham gia môn thể thao nhảy dù lao xuống một bãi đất trống.
Chris Coker, người có con trai 24 tuổi thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay tại New Zealand, cho rằng chính quyền sở tại vẫn đang buông lỏng quản lý trong việc đảm bảo an toàn cho du khách.
Đáp lại, Hiệp hội du lịch Aotearoa (TIA) cho rằng các đơn vị khai thác đang "làm việc trong khuôn khổ quy định tốt nhất thế giới", đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, song hoạt động phiêu lưu vốn đã tiềm ẩn một số rủi ro và phiêu lưu vẫn thuộc khía cạnh du lịch mạo hiểm.
CEO TIA Chris Roberts cho rằng vấn đề không phải nằm ở các nhà khai thác du lịch, mà nằm ở hệ thống cảnh báo họ dựa vào các điểm du lịch núi lửa như đảo Trắng, nơi thu hút khoảng 17.000 lượt du khách mỗi năm.
Cơ quan giám sát GeoNet đã nâng mức đe dọa của đảo Trắng trong tuần trước khi xảy ra vụ phun trào song cũng khuyến cáo hoạt động địa chất tại thời điểm đó "không gây nguy hiểm trực tiếp cho du khách".
Do đó, CEO Roberts cho rằng mọi đánh giá cần dựa trên yếu tố khoa học, cụ thể là chỉ dẫn về hoạt động của núi lửa, cũng như cần cân nhắc xem liệu có nên thay đổi thực tiễn vận hành trong suốt 30 năm qua hay không.
Trên thực tế, trước khi khởi hành tour du lịch, các công ty du lịch như White Island Tours thường yêu cầu khách hàng ký giấy cam kết rằng họ hiểu rủi ro của chuyến đi, cũng như cung cấp các thiết bị như mũ cứng và mặt nạ phòng độc. Tuy nhiên, một số thân nhân của những nạn nhân trong vụ phun trào núi lửa ngày 9/12 đã bày tỏ sự hoài nghi về việc người thân của họ có thực sự hiểu rõ mối nguy hiểm tiềm tàng phải đối mặt hay không.
Cả CEO Roberts và Giáo sư Lueck đều không mong vụ núi lửa phun trào trên đảo Trắng sẽ tác động tới lượng khách quốc tế tới New Zealand, nhưng họ cho rằng ít nhất khách du lịch cũng cần được cảnh báo rõ hơn về bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào để từ đó có thể đưa ra quyết định một cách sáng suốt.