Hòn đảo mới bao gồm chủ yếu là các khối đá, được hình thành ở phía Bắc vị trí núi lửa phun trào và là một phần của Quần đảo Ogasawara. Theo Viện nghiên cứu động đất thuộc Đại học Tokyo, hòn đảo có thể mở rộng hơn nếu núi lửa tiếp tục hoạt động.
Giáo sư Setsuya Nakada - Giáo sư danh dự về núi lửa tại Đại học Tokyo - cho biết magma đã phun trào dưới biển trong một thời gian ở đảo Iwo Jima. Đây được gọi là vụ phun trào phreatomagmatic (phun trào magma dạng giếng), với magma đông cứng thành đá bên dưới bề mặt.
Giáo sư Nakada đã đáp máy bay qua khu vực này tuần trước. Ông cho biết sau vụ phun trào ngày 30/10 vừa qua, magma đông đặc tích tụ bắt đầu vỡ ra trên bề mặt, khiến hòn đảo mới hình thành. Theo Giáo sư Nakada, hòn đảo bao gồm các đống đá bọt dễ bị xói mòn, song chừng nào núi lửa còn hoạt động thì khả năng hòn đảo này vẫn tồn tại là rất cao vì dòng dung nham sẽ giúp bảo vệ nó. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn liệu có tiếp tục xảy ra các vụ phun trào hay không.
Giáo sư Nakada cho biết thêm rằng cách thức hòn đảo này nổi lên tương tự cách một hòn đảo mới khác hình thành vào năm 2013, cuối cùng nhập vào Nishinoshima, một hòn đảo nằm trong chuỗi Ogasawara. Đảo Nishinoshima cũng được tạo ra từ một vụ phun trào núi lửa dưới biển, cuối cùng có đường kính khoảng 2 km. Theo Giáo sư Nakada, có khả năng hòn đảo mới nhập vào đảo Iwo Jima nếu núi lửa tiếp tục phun trào.
Trước đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết kể từ ngày 21/10 đã phát hiện các đợt rung chấn cách nhau vài phút trên đảo Iwo Jima, sau đó là các vụ phun trào ngoài khơi bờ biển phía Nam.
Đảo Iwo Jima là một ngọn núi lửa đang hoạt động ở phía Nam chuỗi đảo Ogasawara. Đảo này cách núi lửa Fukutoku-Okanoba dưới biển khoảng 60 km về phía Bắc, nơi đã xảy ra vụ phun trào lớn dưới đáy biển vào năm 2021.