Trung Đông bên bờ vực thảm họa
Tuần qua, xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu và con số thương vong tiếp tục tăng với cả hai bên.
Ngày 20/10, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cảnh báo bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào trong các hoạt động quân sự tại Dải Gaza đều là “thảm họa” đối với người dân ở khu vực này. Ông Grandi khẳng định cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas kiểm soát Dải Gaza nếu lan sang Liban và các khu vực khác có thể sẽ gây ra “hậu quả khôn lường”.
Kể từ khi bùng phát vào hôm 7/10 đến ngày 20/10, xung đột đã khiến hơn 3.700 người thiệt mạng và hơn 12.000 người Palestine bị thương ở Gaza; phía Israel có khoảng 1.500 người thiệt mạng và hơn 4.200 người bị thương. Israel đã phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung nhu yếu phẩm và năng lượng cho vùng đất này. Các quan chức tại Gaza cho biết hơn 115 cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế và phần lớn bệnh viện tại Dải Gaza không hoạt động, trong khi điện, nước và thuốc men khan hiếm.
Đặc biệt, vụ nổ lớn tại Bệnh viện Al-Ahli al-Arabi thuộc Dải Gaza vào đêm ngày 17/10 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến gần 500 người thiệt mạng. Cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công này. Phía Palestine cáo buộc Israel đã không kích bệnh viện, trong khi quân đội Israel dẫn thông tin tình báo nói rằng phong trào Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) - một lực lượng vũ trang ở Gaza - đã bắn nhầm rocket vào cơ sở y tế này. Việc Israel và Palestine cáo buộc lẫn nhau dẫn đến làn sóng biểu tình lan rộng trong khu vực.
Trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas có xu hướng leo thang, ngày 18/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Israel nhằm nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông. Tại Israel, Tổng thống Biden đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu cùng nhiều quan chức cấp cao của Israel, khẳng định sự ủng hộ của Washington dành cho quốc gia Trung Đông này, đồng thời tìm kiếm một giải pháp nhân đạo cho cuộc khủng hoảng tại Gaza.
Diễn đàn "Vành đai và Con đường" ở Trung Quốc
Sáng 18/10, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba (BRF 3) đã được khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Diễn đàn năm nay có sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.
Hơn 20 nguyên thủ quốc gia/người đứng đầu chính phủ đã đến tham dự diễn đàn, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thư ký Liên hợp quốc. Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu bật những thành tựu của chặng đường 10 năm hình thành và phát triển năng động của BRI. Sau hơn một thập kỷ, Sáng kiến BRI đã mở rộng không gian liên kết và kết nối từ lục địa Á-Âu sang châu Phi và châu Mỹ Latinh; Những thành tựu 10 năm qua sẽ là nền tảng cho “một thập kỷ vàng” tiếp theo của Sáng kiến.
Trong bài tham luận tại Diễn đàn, các nhà lãnh đạo và đại biểu đều đánh giá cao những thành tựu và đóng góp quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong 10 năm qua với hàng loạt dự án và chương trình hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, kinh tế số, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... Hợp tác trong khuôn khổ BRI cũng đã góp phần thúc đẩy kết nối khu vực, hỗ trợ các nước chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước.
Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá với quyết tâm cao, đầu tư lớn, nhiều chương trình, dự án, hành động cụ thể, "Vành đai và Con đường" đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu, là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân các nước. Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Những vẫn đề gây bất đồng tại hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ
Ngày 20/10, hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ đã diễn ra tại Nhà Trắng trong bối cảnh xung đột đang hoành hành ở Gaza và Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ lần thứ hai dưới thời Tổng thống Joe Biden diễn ra tại Nhà Trắng cũng nhằm thể hiện sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, báo Deutsche Welle của Đức dẫn lời các nhà quan sát ở Brussels cho rằng vẫn còn một số điểm bất đồng, chủ yếu là về thương mại.
Thứ nhất là về thuế thép và nhôm, tại Brussels: Các nghị sĩ chỉ ra rằng vẫn còn một số điểm khúc mắc trong các cuộc đàm phán thương mại: “Có những khác biệt và lợi ích của EU cần được bảo vệ”. EU đã đạt được tiến bộ trong quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden so với thời chính quyền Donald Trump. Trong khi cựu Tổng thống Trump áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm từ EU, thì ông Biden ít nhất đã đình chỉ chúng, tránh được tranh chấp kéo dài tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nhằm loại bỏ chúng hoàn toàn vẫn chưa kết thúc.
Thứ hai là Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ: Tranh cãi giữa hai bên vẫn tồn tại xung quanh Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 của Mỹ, theo đó chính quyền Biden muốn kiềm chế lạm phát bằng cách đầu tư vào sản xuất năng lượng trong nước và thúc đẩy năng lượng sạch. Khoảng 370 tỷ USD sẽ được sử dụng để trợ cấp chủ yếu cho các công ty Mỹ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Mặc dù tác động của đạo luật này đối với các công ty châu Âu không tiêu cực như lo ngại một năm trước, nhưng một số công ty EU đã quyết định xây dựng các cơ sở mới để sản xuất hydro, xe điện và các sản phẩm "xanh" khác ở Texas (Mỹ) thay vì Bavaria (Đức) chẳng hạn.
Thứ ba là về triển vọng của Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Các cuộc đàm phán để hồi sinh TTIP chắc chắn sẽ tiếp tục sau hội nghị thượng đỉnh lần này. Điều gì xảy ra sau cuộc bầu cử tháng 11/2024 ở Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Khi được hỏi liệu có chiến lược dài hạn nào nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng hay không, các nghị sĩ EU trả lời: "Chúng tôi cũng không biết ai sẽ là tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử". Nỗ lực trước đây về TTIP đã bị ông Trump phá hỏng. Nghị sĩ EU Bernd Lange, người đã tham gia đàm phán TTIP trong nhiều năm, nghi ngờ rằng sẽ có nỗ lực thứ hai, ngay cả khi ông Biden thắng cuộc bầu cử vào năm tới.
Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo Trung tâm Nghiên cứu phương Đông của Ba Lan (OSW.pl) ngày 20/10, giao tranh giữa Nga và Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong vài ngày qua, các cuộc tấn công của Nga và các cuộc phản công của Ukraine ở khu vực Avdiivka đã dẫn đến việc hình thành một tuyến phòng thủ mới ở phía Tây Bắc và phía Nam thành phố dọc theo tuyến đường sắt chạy qua đó.
Vào ngày 20/10, phía Ukraine cho biết 4 tên lửa của Nga đã tấn công khu vực Konstantynivka ở Donetsk và hai tên lửa (rất có thể là từ hệ thống S-300) đã bắn trúng ngã ba đường sắt Kupyansk-Vuzlovy. Ngày hôm trước, tên lửa và máy bay không người lái cảm tử của Nga đã tấn công các thành phố Dnieper, Kryvyi Rih (hai lần), Mykolaiv và Zaporozhye, nơi xác nhận các vụ tấn công vào nhà kho và cơ sở công nghiệp. Theo tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, trong ngày 19/10, phía Nga đã sử dụng tổng cộng 12 tên lửa.
Trước đó ngày 18/10, phía Nga thông báo Ukraine đã tấn công nhiều lần vào các lực lượng của Moskva bằng máy bay không người lái, nhưng không thành công. 12 máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên vùng Kursk Oblast, 6 chiếc trên vùng Belgorod Oblast và 10 chiếc trên Biển Đen.
Trước đó ngày 17/10, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson xác nhận Ukraine đã nhận được lô tên lửa ATACMS có tầm bắn 165 km. Theo truyền thông Mỹ, khoảng 20 tên lửa ATACMS mang đầu đạn chùm M74 đã được chuyển giao. Trước đó, The Wall Street Journal đưa tin, ngày 17/10, những tên lửa này đã được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công các sân bay ở Berdyansk và Luhansk do các lực lượng Nga kiểm soát, điều này đã được Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny xác nhận vào ngày hôm sau. Vụ tấn công bằng tên lửa ATACMS đã khiến 9 máy bay trực thăng các loại, một bệ phóng hệ thống phòng không và kho đạn dược bị hư hại.
Thông tin về việc lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS cho thấy Mỹ chỉ đáp ứng một phần yêu cầu kéo dài hàng tháng trời của Ukraine về việc cung cấp cho nước này tên lửa tầm xa có thể tấn công các mục tiêu nằm ở sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Hội nghị Cấp cao ASEAN – GCC lần thứ nhất
Ngày 20/10, tại thành phố Riyadh của Saudi Arabia diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN- Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên ASEAN và GCC gặp nhau kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ năm 1990. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cả hai bên về đối thoại và hợp tác, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC lần này, các lãnh đạo cấp cao hai bên đã thảo luận, đánh giá tổng thể hợp tác thời gian qua; đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-GCC thời gian tới, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần này và thăm Vương quốc Saudi Arabia. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC, Thủ tướng Chính phủ cho rằng ASEAN và GCC cần chung tay khơi dậy ý chí tự lực, tự cường; khơi thông các nguồn lực phát triển và triển khai các hoạt động một cách thực chất, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao nhất; hành động quyết liệt, đưa hợp tác hai bên bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới để trở thành điểm sáng của hợp tác khu vực và toàn cầu.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đi thông điệp về những cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong việc cùng các nước thành viên của ASEAN đẩy mạnh hợp tác và tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN và GCC. Chuyến công tác cũng tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh. Trong bối cảnh căng thẳng tại một số “điểm nóng” trên thế giới, Thủ tướng cũng thể hiện quan điểm của Việt Nam và được các nước nhất trí cao về việc giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế.