Theo tờ Politico (Mỹ) ngày 18/10, vào giữa tháng 7 năm nay, các quan chức Mỹ lo lắng rằng các lực lượng Ukraine đang gặp khó khăn trong việc vượt qua phòng tuyến của Nga trong cuộc phản công diễn ra chậm và thời gian không còn nhiều trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga vào mùa thu.
Do đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã đề nghị đưa ra các lựa chọn về vũ khí bổ sung mà Mỹ có thể gửi tới Ukraine để giúp lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu dễ bị tổn thương nằm sâu trong tuyến phòng thủ của Nga.
Với sự phối hợp, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ đã nảy ra một ý tưởng. Trong khi kho dự trữ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) hiện đang thiếu hụt, Mỹ có thể gửi phiên bản tầm trung, mang theo đầu đạn chứa hàng trăm quả bom chùm có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 160 km.
Theo hai quan chức Mỹ, động thái của Washington gửi APAM, phiên bản cũ hơn của ATACMS mà Ukraine đã tìm kiếm từ lâu, đã được giữ bí mật trong nhiều tuần.
Việc chuyển giao và sử dụng ATACMS đánh dấu một bước leo thang lớn trong hoạt động của Kiev, cung cấp cho lực lượng Ukraine khả năng tấn công mới nhằm vào các mục tiêu của Nga ở phía sau chiến tuyến. Đó chính xác là những gì đã xảy ra vào sáng sớm 17/10, khi các cơ quan truyền thông Ukraine đưa tin rằng Kiev đã phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga ở các thành phố phía Dông Berdyansk và Luhansk.
Các quan chức Mỹ giữ kín quyết định gửi tên lửa trên của họ tới chiến trường để duy trì yếu tố bất ngờ. Washington và Kiev lo ngại rằng việc thông báo chuyển giao sẽ khiến Nga di chuyển các kho thiết bị và đạn dược ra xa chiến tuyến của họ và ra khỏi tầm bắn của tên lửa ATACMS.
Như vậy, Tổng thống Biden quyết định gửi tên lửa tới Ukraine sau nhiều tháng tranh luận giữa các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của Nhà Trắng. Ông Sullivan tiết lộ rằng chính quyền Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để hỗ trợ Ukraine.
Tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng lúc đó là Tướng Mark Milley từ lâu đã phản đối việc gửi ATACMS. Họ lập luận rằng Mỹ đang có lượng vũ khí tồn kho hạn chế. Họ muốn đảm bảo Bộ Quốc phòng duy trì một kho dự trữ đủ lớn cho các trường hợp dự phòng có thể phát sinh ở những nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên, nhóm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng biến thể APAM của ATACMS là vũ khí hợp lý để gửi tới Ukraine vì nó không nằm trong bất kỳ kế hoạch chiến tranh nào của Lầu Năm Góc và các lực lượng Ukraine có thể sử dụng chúng để tấn công các kho đạn dược ở phía sau chiến tuyến của Nga một cách hiệu quả hơn.
Do sự tập trung đông đảo của quân đội Nga cùng với các kho vũ khí và đạn dược của họ vẫn còn tương đối gần tiền tuyến, loại vũ khí mới này có thể sẽ tấn công mạnh vào các trung tâm chỉ huy và kiểm soát cũng như hậu cần của Nga.
Ông Biden đã thông báo tin chuyển giao tên lửa cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 21/9 : Ukraine sẽ có được một phiên bản ATACMS, nhưng không phải là biến thể tầm xa mà Kiev đã đề nghị trước đó.
Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Biden đã bí mật phê duyệt gửi APAM trong gói viện trợ được công bố vào ngày 21/9, dưới danh mục bom chùm. Chính quyền Mỹ cũng đã thông báo tóm tắt cho một số thành viên Quốc hội trong điều kiện bí mật để ngăn chặn rò rỉ thông tin.
Quyết định gửi vũ khí trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ ngày càng lo ngại về việc Nga tăng cường củng cố lực lượng và trang thiết bị cho một cuộc tấn công mùa thu, đây có thể là một cuộc tấn công lớn nhất của Moskva trong nhiều tháng.
Trong khi các quan chức chính quyền Biden không cho rằng Ukraine có thể đạt được mục tiêu phá hủy cây cầu nối đất liền của Nga tới Crimea trước khi mùa đông đến và ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng, họ hy vọng việc cung cấp APAM có thể giúp giảm thiểu bất kỳ lợi thế nào của Nga và giúp lực lượng của Kiev có thời gian để phản công.
Giới chức Mỹ vẫn yêu cầu Ukraine hạn chế sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, nhưng không có hạn chế nào trong việc sử dụng thiết bị này để tấn công các mục tiêu bên trong Ukraine và bán đảo Crimea.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/10 đã chỉ trích việc Washington cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine là một “sai lầm” và sẽ không làm thay đổi căn bản tình hình trên chiến trường.
Ông Putin lập luận rằng các tên lửa này sẽ dẫn đến “thương vong không cần thiết” và “kéo dài nỗi đau” của Ukraine, nhưng cũng thừa nhận các hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp “sẽ gây thiệt hại và gây thêm mối đe dọa”.