Nga “nóng’ sau loạt phát ngôn quay lưng của thủ lĩnh Wagner
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/6 về tình hình mới đây ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông sẽ làm mọi việc để bảo vệ nước Nga. Nhà lãnh đạo cáo buộc các tay súng của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner do Prigozhin đứng đầu đã phạm tôi phản quốc, cam kết trừng phạt những kẻ tham gia cuộc nổi loạn.
Tổng thống Putin cũng kêu gọi đoàn kết giữa các lực lượng, cho rằng các tay súng Wagner đã bị lừa dối và yêu cầu họ ngừng hành động của mình. Mặc dù mô tả tình hình ở Rostov-on-Don là khó khăn song nhà lãnh đạo cam kết sẽ ổn định tình hình ở đó.
Hiện các đơn vị đặc biệt của Lượng lượng vệ binh quốc gia Nga đã được đặt trong tình trạng báo động. Các cơ sở quan trọng của thủ đô Moskva đã được tăng cường bảo vệ. Tuyến đường cao tốc M-4 của Nga đi qua Rostov-on-Don về phía Aksay cũng đã bị phong toả. Các trạm kiểm soát đã được thiết lập gần trụ sở quân khu phía Nam ở Rostov-on-Don. Tất cả các sự kiện lớn dự kiến diễn ra cuối tuần này ở thành phố Rostov-on-Don đã bị hủy bỏ. Quan chức địa phương trước đó kêu gọi người dân hạn chế đến trung tâm thành phố này và ở nhà.
Tướng Sergei Surovikin, Chỉ huy Lực lượng liên hợp Nga, kêu gọi nhóm Wagner tuân thủ mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin và giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình. Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga yêu cầu Prigozhin, ngừng các hành động trái pháp luật và cho biết Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt đầu cuộc điều tra về âm mưu nổi loạn liên quan những phát ngôn gần đây của ông.
Trên kênh Telegram, Prigozhin tuyên bố các đơn vị của Wagner đã bị không kích và cáo buộc quân đội Nga liên quan. Bộ Quốc phòng Nga đã gọi những cáo buộc này là sai sự thật. Người sáng lập Wagner có thể phải đối mặt với án tù từ 12 đến 20 năm.
Phản ứng trước căng thẳng mới tại Nga, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được báo cáo về vụ việc và Mỹ đang theo dõi chặt diễn biến. Theo một tuyên bố từ Điện Élysée, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Nga. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda viết trên Twitter rằng ông đã tổ chức các cuộc tham vấn với thủ tướng và bộ quốc phòng về tình hình tại Nga.
Tàu lặn Titan ‘nổ tung’ khiến toàn bộ hành khách thiệt mạng
Vụ nổ tàu lặn Titan trong lúc thám hiểm xác tàu Titanic trong tuần này đã làm cả 5 người trên tàu thiệt mạng. Giới chuyên gia cho rằng tai nạn có thể sẽ thúc đẩy các quy tắc quản lý loại hình du lịch cao cấp, bởi tàu lặn Titan hoạt động ngoài các quy định được đưa ra sau thảm họa Titanic.
Trước đó, vào ngày 18/6, chiếc tàu lặn Titan chở theo 5 người yêu thích thám hiểm đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ đồng hồ lặn xuống đáy đại Đại Tây Dương trong hành trình tham quan xác tàu Titanic.
5 người có mặt trên tàu lặn Titan bao gồm Stockton Rush - Giám đốc điều hành của OceanGate, tỷ phú Hamish Harding - ông trùm hàng không người Anh, Paul-Henri Nargeolet - nhà điều hành tàu ngầm người Pháp, doanh nhân nổi tiếng người Pakistan Shahzada Dawood cùng con trai Suleman, 19 tuổi.
Lực lượng cứu hộ đa quốc gia với sự phối hợp của lực lượng hải quân các nước Mỹ, Pháp, Anh, Canada đã chạy đua với thời gian, phối hợp tìm kiếm quy mô lớn trên hàng nghìn km2 tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương.
Kết quả, sau 5 ngày, Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) nhận định cả 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan bị mất tích đều đã thiệt mạng, trong một sự cố dường như là “một vụ nổ khủng khiếp”. Theo USGS, những mảnh vỡ được phát hiện ở dưới đáy đại dương cho thấy tàu lặn Titan bị mất tích ở khu vực gần xác tàu Titanic đã phải hứng chịu áp lực “thảm khốc”.
Theo lời giải thích của nhiều chuyên gia khoa học, nguyên nhân dẫn tới tàu Titan phát nổ có thể là do áp suất dưới đại dương quá lớn. Nếu tàu ngầm Titan ở gần xác Titanic, nó sẽ phải chịu một áp lực cao hơn cả vết cắn của cá mập trắng. Khi ở độ sâu hơn 3.000m, tàu lặn Titan phải chịu áp suất hơn 374 atm trong khi áp suất mà con người chịu từ khí quyển khi ở mặt biển chỉ là 1 atm. Nếu tàu ngầm bị hỏng, người trên tàu trực tiếp chịu những áp suất này, họ sẽ tử vong ngay lập tức.
Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương, bao gồm tham quan xác tàu Titanic. Nhiều thông tin cho biết tàu Titan được trang bị bộ điều khiển bằng tay cầm chơi game và được gắn nhiều phụ kiện không đồng bộ cho thấy con tàu này có vấn đề về tiêu chuẩn an toàn, nhưng vẫn được khai thác cho mục đích du lịch.
Theo mức giá công bố năm 2022, để được tận mắt ngắm xác tàu Titanic, một du khách phải chi 250.000 USD cho Ocean Gate.
Vào năm 2018, những lo ngại về sự an toàn của chiếc tàu lặn Titan đã từng nóng lên trong vụ kiện của cựu Giám đốc hoạt động hàng hải David Lochridge với hãng OceanGate. Ông David Lochridge cáo buộc đã bị OceanGate sa thải sau khi nêu bật lo ngại về “thiết kế thân tàu du lịch không chịu được độ sâu quá lớn” và công ty này thiếu các cuộc kiểm tra “sai sót tiềm ẩn”.
Mỹ-Ấn bước vào kỷ nguyên mới của quan hệ song phương
Quan hệ song phương Mỹ-Ấn bước sang một chương mới khi Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Joe Biden công bố một loạt thỏa thuận về công nghệ và quốc phòng trong tuần qua.
Sau cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 22/6, hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung khẳng định tầm nhìn thúc đẩy Mỹ và Ấn Độ trở thành hai trong số những đối tác thân thiết nhất trên thế giới, khẳng định mối quan hệ đối tác của các nền dân chủ trong thế kỷ XXI với hy vọng, tham vọng và tự tin.
“Khi Ấn Độ và Mỹ hợp tác với nhau về chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng, điều đó sẽ giúp thế giới tạo ra chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt và đáng tin cậy hơn. Bên cạnh đó, giờ Mỹ đã trở thành một trong những đối tác quốc phòng quan trọng nhất của chúng tôi”, Thủ tướng Modi nói trong bài phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ.
Trong khuôn khổ các cuộc gặp, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, về Quan hệ đối tác đổi mới và đặc biệt là thông báo của Tập đoàn Micron Technology với kế hoạch đầu tư 825 triệu USD để xây dựng cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới ở Ấn Độ.
Hai nước còn đạt được nhiều thoả thuận quốc phòng quan trọng, bao gồm chế tạo động cơ máy bay General Electric F414 ở Ấn Độ và sửa chữa các tàu Hải quân Mỹ tại các xưởng đóng tàu của Ấn Độ.
Theo giới chuyên gia, hiện Mỹ và Ấn Độ không phải là đồng minh nên mối quan hệ của họ sẽ rất khác so với những gì các nước khác trong khu vực có với Washington.
“Chính quyền Tổng thống Biden đã đặt cược rất lớn vào mối quan hệ chiến lược và kinh tế. Đó không phải là mối quan hệ đồng minh, mà là một trong những đối tác bình đẳng và có lợi ích chiến lược bình đẳng”, Raymond Vickery, cộng sự cấp cao về nghiên cứu chính sách Mỹ-Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.
Về kỹ thuật, Mỹ và Ấn Độ cũng được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thỏa thuận hơn về công nghệ trong tương lai, khi Washington theo đuổi chiến lược “kết bạn” – một chiến lược nhằm đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và khai thác tiềm năng của các quốc gia khác trong khu vực.
“Ấn Độ cần công nghệ tiên tiến. Theo tôi, Mỹ đã trở nên cởi mở hơn rất nhiều trong việc chia sẻ những công nghệ quan trọng đó và đi theo hướng giúp Ấn Độ xây dựng cơ sở sản xuất quốc phòng của riêng mình”, Harsh V. Pant, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách đối ngoại của Tổ chức nghiên cứu Observer có trụ sở tại Delhi, cho hay.
LHQ thông qua hiệp định lịch sử về biển cả
Ngày 19/6, đa số các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) đã hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, hiệp định này còn được gọi là Hiệp định về Biển cả. Sự đồng thuận cao thể hiện ý định sớm ký và phê chuẩn hiệp định này. Kết quả trên được đánh giá là sự thắng lợi của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương, là thắng lợi của các nước đang phát triển nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi và tinh thần đoàn kết.
Bà Rena Lee, Chủ tịch Hội nghị liên Chính phủ, mô tả việc xây dựng Hiệp định là “một công cuộc to lớn và có ý nghĩa sống còn”. Nếu tính cả các hoạt động trù bị cho Hội nghị liên Chính phủ và hoạt động vận động trong Đại hội đồng LHQ, quá trình này kéo dài gần 20 năm.
UNCLOS quy định quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá trên biển cả ngoài vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời quy định khoáng sản trong vùng đáy biển trên thềm lục địa của các nước, là di sản chung của nhân loại; thành lập cơ chế cấp phép, phân bổ lợi ích từ khai mỏ dưới đáy biển khơi, song chưa có cơ chế tương tự đối với nguồn gien biển. Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vùng ngoài quyền tài phán quốc gia cụ thể hóa và phát triển UNCLOS trên khía cạnh này. Đây là hiệp định thứ 3 thực thi UNCLOS, sau văn kiện về đàn cá di cư và văn kiện nhằm thực thi Phần XI của Công ước.