Số người chết do động đất ở Nhật Bản tăng mạnh
Theo tờ Japan Times, ngày 6/1, lực lượng cứu hộ và người dân ở tỉnh Ishikawa của Nhật Bản vẫn tập trung tìm kiếm trong đống đổ nát. Tuy nhiên, sau 5 ngày xảy ra trận động đất độ lớn 7,6, trọng tâm tìm kiếm của họ là thi thể của những người xấu số và dọn dẹp hiện trường, thay vì người sống sót.
Đài NHK đưa tin số người chết vì trận động đất mạnh vào ngày đầu tiên của năm 2024 ở tỉnh Ishikawa hiện là 126 người. Song con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi còn nhiều người khác vẫn đang mất tích.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, đây là cơn địa chấn lớn gây thiệt hại nặng nề đầu tiên kể từ trận động đất Kumamoto năm 2016 khiến 100 người thiệt mạng. Ngày 1/1 cũng là lần đầu tiên Nhật Bản phát cảnh báo sóng thần quy mô lớn kể từ năm 2011.
Nỗ lực cứu hộ của hàng ngàn người đã bị cản trở bởi thời tiết lạnh cóng và tuyết rơi. Nhiều tuyến đường giao thông vẫn bị chia cắt vì sạt lở và sụt lún.
Theo Bộ Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã cử tổng cộng 5.400 binh sĩ để hỗ trợ nhiệm vụ cứu trợ. 9 tàu, 30 máy bay và 12 chó nghiệp vụ cũng tham gia sứ mệnh này. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát và lính cứu hỏa trên khắp cả nước cũng được điều động.
Những ngôi nhà nơi phát hiện người tử vong sẽ được đánh dấu cho đến khi nhân viên điều tra cùng người thân để nhận dạng thi thể.
Tại thành phố cảng Suzu, các tàu đánh cá bị sóng thần đánh chìm hoặc cuốn dạt lên bờ. Cảnh tượng tại khu vực ven biển Hiromaru, nơi sóng thần cao vài mét tấn công vào ngày 1/1, rất hỗn độn. Nhiều ngôi làng vẫn chưa nhận được sự cứu trợ cần thiết.
Toshio Sakashita, một trong số khoảng 100 cư dân ở đây cho biết: “Sóng thần xuất phát từ vịnh Hiromaru rồi tràn ra đường phố. Chúng tôi không được hỗ trợ ở đây. Con phố chính vẫn bị chặn trong đổ nát”.
Tại một cuộc họp ứng phó khẩn cấp, Thủ tướng Fumio Kishida đã chỉ đạo các bộ trưởng khẩn trương sửa chữa đường sá để giúp đỡ hàng trăm người ở các khu vực bị cô lập. Khoảng 23.800 hộ gia đình ở tỉnh Ishikawa không có điện và hơn 66.400 hộ gia đình không có nước sinh hoạt.
Tình trạng mất điện, mất nước cũng ảnh hưởng đến các bệnh viện và cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật. Hơn 30.000 người đã phải tá túc trong 357 nơi trú ẩn của chính phủ.
Nhật Bản hứng chịu hàng trăm trận động đất mỗi năm và hầu hết không gây thiệt hại lớn, bởi quốc gia đã áp dụng những quy định xây dựng nghiêm ngặt từ hơn bốn thập kỷ trước. Nhưng trên thực tế, nhiều tòa nhà đã dần xuống cấp.
Cho đến nay, đất nước Nhật Bản vẫn bị ám ảnh bởi thảm họa động đất - sóng thần kinh hoàng tháng 3/2011, khiến khoảng 18.500 người thiệt mạng, cũng như gây ra vụ nổ hạt nhân tại nhà máy Fukushima.
Triều Tiên phóng hàng trăm quả đạn, Hàn Quốc phải sơ tán dân
Ngày thứ hai liên tiếp trong tuần qua, Triều Tiên đã bắn khoảng 60 quả đạn pháo ra ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần khu vực biên giới chung được canh gác nghiêm ngặt.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo của Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc ngày 6/1 cho biết quân đội Hàn Quốc đã phát hiện các vụ phóng kéo dài trong khoảng 1 giờ tại khu vực ven biển phía Tây Nam của Triều Tiên từ 4 giờ chiều.
Trước đó một ngày, Triều Tiên đã bắn khoảng 200 quả đạn pháo về phía vùng biển gần hai hòn đảo biên giới phía Tây của Hàn Quốc là Yeonpyeong và Baengnyeong. Người dân trên đảo đã được lệnh trú ẩn. Trong khi quân đội Hàn Quốc lập tức tổ chức tập trận bắn đạn thật để đáp trả. Hơn 400 quả đạn pháo được bắn vào vùng đệm gần Đường giới hạn phía Bắc (NLL), ranh giới trên biển thực tế giữa hai miền Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên quân đội Hàn Quốc bắn đạn pháo vào khu vực này kể từ khi hai bên ký thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự hồi tháng 9/2018.
Bình Nhưỡng tuyên bố cuộc tập trận bắn đạn thật ngày 5/1 là phản ứng tự nhiên trước các hành động quân sự quy mô lớn của quân đội Hàn Quốc và không ảnh hưởng gì đến sự an toàn của các hòn đảo Hàn Quốc. Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/1 đã hối thúc Triều Tiên chấm dứt các hành động “gây bất ổn” và quay trở lại con đường ngoại giao.
Theo Reuters, Triều Tiên trong những ngày gần đây đã gia tăng cảnh báo rằng tình hình trên Bán đảo Triều Tiên có nguy cơ dẫn tới chiến tranh vì những động thái nguy hiểm của quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Cả hai miền Triều Tiên đều tuyên bố sẽ đáp trả quân sự mạnh mẽ nếu bị tấn công. Tháng 11/2023, Bình Nhưỡng tuyên bố thỏa thuận được lãnh đạo hai nước ký năm 2018 nhằm giảm căng thẳng leo thang và ngăn chặn chiến tranh vô ý bùng phát không còn hiệu lực, sau khi Hàn Quốc thông báo sẽ nối lại các cuộc tập trận gần biên giới. Trước đó, hai bên đã đồng ý ngừng các cuộc tập trận quân sự gần biên giới, bao gồm cả biên giới biển ngoài khơi bờ biển phía Tây và phía Đông.
Vụ tấn công đẫm máu nhất tại Iran kể từ năm 1979
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ nổ kép làm chết gần 100 người tại lễ tưởng niệm tướng Qasem Soleimani ở miền Nam Iran.
Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA, ít nhất 84 người thiệt mạng và 284 người bị thương trong vụ nổ hôm 3/1. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Iran kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Chính phủ Iran đã tuyên bố quốc tang trong ngày 4/1 để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong 2 vụ nổ liên tiếp.
24 giờ sau vụ nổ, nhánh truyền thông Al-Furqan của tổ chức IS đã đưa ra tuyên bố rằng hai kẻ đánh bom liều chết, là anh em, đã trà trộn vào đám đông rồi kích nổ đai bom tại nơi mọi người đang tụ tập để tưởng niệm ông Soleimani tại quê hương Kerman. Tuy nhiên, nhóm khủng bố này không cung cấp bằng chứng cho tuyên bố trên.
Trước đó, IS đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các đền thờ và điểm tôn giáo ở Iran.
Iran vẫn chưa phản hồi đối với tuyên bố nhận trách nhiệm của IS. Phía Tehran cũng đưa ra những báo cáo điều tra khác biệt so với IS.
Bộ trưởng Nội vụ Iran cho biết hai vụ nổ xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn, đặc biệt nghiêm trọng khi những người khác lao tới giúp đỡ những người bị thương.
Bên cạnh đó, theo cơ quan truyền thông nhà nước IRINN, vụ nổ đầu tiên là do một quả bom đặt trong vali bên trong ô tô và dường như được kích nổ từ xa chứ không phải do một kẻ đánh bom tự sát gây ra. Video cho thấy rất nhiều người hoảng loạn bỏ chạy, các thi thể đầy máu trên mặt đất và xe cứu thương chạy qua đám đông chật cứng.
Ngày 5/1, giới chức Iran cho biết lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ 11 đối tượng tình nghi liên quan đến 2 vụ đánh bom. Bộ Tình báo Iran cho biết thêm các đặc vụ đã thu giữ thiết bị nổ và nguyên liệu thô, áo cài thuốc nổ, thiết bị điều khiển từ xa, ngòi nổ và hàng nghìn viên đạn. Một trong những kẻ đánh bom liều chết được xác định là công dân Tajikistan.
Nga, Ukraine dồn dập tấn công lẫn nhau
Trong tuần qua, quân đội Nga và Ukraine đã đẩy mạnh hoạt động tấn công vào các vị trí của nhau. Ngày 5/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea, bắn hạ 36 máy bay không người lái (UAV).
Một ngày trước đó, lực lượng phòng không Ukraine đã nhắm mục tiêu vào một sở chỉ huy của Nga gần thành phố cảng trong một cuộc tấn công trên không mà Moska cho biết đã làm 1 người bị thương.
Các đòn tấn công mới nhất xảy ra trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công vào Ukraine trong khi Ukraine cũng đẩy mạnh tấn công vào Nga và các khu vực đòi độc lập. Thành phố biên giới Belgorod của Nga cũng trở thành mục tiêu tấn công của pháo binh Ukraine liên tục trong 7 ngày.
Tương tự, Bộ Quốc phòng Nga cho biết phi hành đoàn trực thăng Ka-52 của nước này đã tấn công trung tâm điều khiển và xe bọc thép của Ukraine ở khu vực Donetsk.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn: "Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, các phi công của lực lượng hàng không được sự hỗ trợ của lực lượng mặt đất, đã thực hiện các vụ tấn công tên lửa... phá hủy một trung tâm điều khiển và các xe bọc thép của quân đội Ukraine".
Ngoài ra, theo Kiev, lực lượng Nga cũng tăng cường sử dụng xe thiết giáp trong hoạt động tấn công Ukraine với sự hỗ trợ của các phương tiện bọc thép mà Moskva đã không triển khai tại khu vực này trong một thời gian.