Loạt vụ nổ thiết bị liên lạc “chấn động” Hezbollah
Tuần này, hàng trăm máy nhắn tin và bộ đàm do lực lượng vũ trang Hezbollah sử dụng đã phát nổ trên khắp Liban trong các cuộc tấn công chưa từng có, khiến 37 người tử vong và trên 2.900 người khác bị thương.
Loạt vụ nổ liên tiếp trong hai ngày đã giáng một đòn mạnh vào lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Liban. Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau các vụ tấn công này và thề sẽ trả thù với “hình phạt thích đáng”. Thủ lĩnh Hezbollah tuyên bố lực lượng này sẽ "trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng đối mặt với mọi nguy hiểm”.
Cho đến nay Israel vẫn chưa lên tiếng về các vụ tấn công. Tuy nhiên, ngay trước vụ tấn công đầu tiên, họ đã tuyên bố sẽ mở rộng mục tiêu trong cuộc chiến đang diễn ra với lực lượng Hamas ở Gaza, bao gồm việc bảo vệ mặt trận phía Bắc với Liban – nơi Hezbollah đang tích cực các hoạt động tấn công Israel để thể hiện sự ủng hộ với những “người anh em” Hamas.
Trong một tuyên bố ngày 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết cuộc chiến ở Gaza đã bước sang “giai đoạn mới”.
Liên quan đến các vụ phát nổ hàng loạt thiết bị liên lạc, kết quả điều tra ban đầu của chính phủ Liban cho rằng những chiếc máy nhắn tin đã được giấu chất nổ ngay cạnh phần pin bên trong máy và lập trình sẵn việc kích nổ trước khi chuyển cho Hezbollah. Trong khi đó, tờ New York Times dẫn các nguồn tin cho biết các máy nhắn tin phát nổ do công ty BAC Consulting đăng ký ở Hungary sản xuất. Các quan chức tình báo chỉ ra BAC là một “công ty vỏ bọc” của Israel. Một số hãng truyền thông và chuyên gia Israel cho biết Một số cơ quan truyền thông và chuyên gia Israel cho biết vụ nổ máy nhắn tin có dấu hiệu có sự “nhúng tay” của Mossad, cơ quan tình báo Israel.
Đối với các máy bộ đàm phát nổ, công ty Nhật Bản Icom xác nhận đã ngừng sản xuất mẫu bộ đàm trong vụ tấn công cách đây 10 năm.
Cùng thời điểm diễn ra loạt vụ nổ gây “chấn động” Liban, tại khu vực biên giới, Israel và Hezbollah vẫn tiếp diễn các cuộc giao tranh khốc liệt. Ngày 19/9, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo phong trào Hezbollah đã tiến hành các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa vào miền Bắc Israel, khiến hai binh sĩ Israel tử vong và một người khác bị thương nặng. Đáp lại, IDF thông báo lực lượng này đã tấn công khoảng 30 bệ phóng tên lửa và cơ sở hạ tầng của phong trào Hezbollah ở miền Nam Liban.
Trước nguy cơ xung đột leo thang và lan rộng, các nước hoà giải kêu gọi các bên kiềm chế. Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ đều lên tiếng hối thúc Israel và Hezbollah lập tức ngừng bắn.
Fed lần đầu cắt giảm lãi suất sau gần 4 năm
Ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuyên bố cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau 4 năm nỗ lực mạnh mẽ nhằm hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới và giảm lạm phát.
Fed đã công bố cắt giảm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất quỹ liên bang chuẩn xuống mức còn 4,75% đến 5%, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát. Cũng trong năm nay, Fed được dự báo sẽ có một đợt cắt giảm thêm lãi suất 50 điểm cơ bản nữa.
Trong bối cảnh hàng chục triệu người Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu vào tháng 11, sức mạnh của nền kinh tế và mối lo ngại về hướng đi của nền kinh tế đã trở thành vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của các ứng viên.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc Fed bắt đầu hành động đã giúp ngân hàng trung ương các nước phát triển khác dễ cân nhắc chính sách tiền tệ hơn. Hầu hết ngân hàng trung ương các nước vùng Vịnh đã có động thái tương tự Fed. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Saudi Arab giảm lãi suất thỏa thuận mua lại (repo) và lãi suất repo đảo ngược 0,5 điểm phần trăm, lần lượt xuống còn 5,5% và 5%. Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng hạ lãi suất cơ bản ở mức tương tự xuống còn 4,9%. Msố ngân hàng trung ương khác đã hạ lãi suất trước như vào 12/9, ngân hàng trung ương châu Âu đã cắt giảm lãi suất thêm 0,25% xuống còn 3,5%.
Ngoài ra, các nhà giao dịch cũng kỳ vọng quyết định hạ lãi suất của Fed sẽ giúp thị trường chứng khoán hồi phục và giá vàng hưởng lợi.
Cụ thể, các thị trường chứng khoán đã giảm hơn 6% trong ba ngày đầu tháng 8/2024, sau số liệu việc làm yếu kém của Mỹ. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi nếu lãi suất ở Mỹ thấp hơn thúc đẩy hoạt động kinh tế và tránh được suy thoái.Việc kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" cũng mang lại lợi ích cho thị trường châu Á vì tạo ra môi trường ổn định hơn cho các nền kinh tế khác. Đến nay, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm hơn 10% từ mức cao kỷ lục vào tháng 7/2024 do đồng yên và lãi suất tăng ở Nhật Bản.
Trong lĩnh vực hàng hóa, các kim loại quý sẽ hưởng lợi từ hành động của Fed. Giá vàng thường ngược chiều với lãi suất vì nhu cầu đầu tư vào vàng tăng lên khi lãi suất thấp.
Bạo lực ‘ngầm’ len lỏi vào chính trị Mỹ sau 2 lần áp sát hụt ông Trump
Thêm một vụ ám sát mới nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump hôm 15/9 đã khiến chính trường Mỹ thêm căng thẳng. Đây là lần thứ hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà trở thành mục tiêu ám sát trong vòng chưa đầy ba tháng. Mặc dù vụ ám sát không thành công, nó vẫn gây ra nhiều tranh luận và những phản ứng khác nhau từ các bên liên quan.
Đối tượng 58 tuổi tên là Ryan Wesley Routh đã ở ngoài hàng rào Câu lạc bộ golf quốc tế Trump khoảng 11 tiếng trước khi nổ súng cách ông Trump từ 365 - 457m và bắn ít nhất 4 lần. Sau đó, hắn bỏ lại khẩu súng trường cùng một số vật dụng khác và lên xe chạy trốn. Cuối cùng, hắn đã lực lượng chức năng bắt giữ khi đang chạy trốn ở hạt lân cận.
Trước đó, hồi tháng 7/2024, ông Donal Trump cũng bị bắn khi đang vận động tranh cử ở bang Pennsylvania.
Sự kiện ám sát hụt đã khiến vấn đề bạo lực chính trị trở thành một chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử. Trong khi ông Trump cố gắng khai thác tình huống này để làm nổi bật vai trò "nạn nhân" của mình, các đối thủ cạnh tranh như Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhanh chóng lên án hành động bạo lực này và khẳng định rằng "bạo lực không có chỗ ở Mỹ".
Tuy nhiên, khi chỉ còn 7 tuần nữa là đến ngày bầu cử tổng thống năm 2024 và cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, các vụ ám sát có thể ảnh hưởng đến thái độ của cử tri cũng như chiến lược bầu cử của các bên liên quan. Trong bối cảnh chính trị đã bị phân cực và đầy mâu thuẫn, vụ ám sát này có thể là một điểm nhấn đáng chú ý trong cuộc đua gay cấn. Ngoài ra, nếu xét đến tình trạng bạo lực súng đạn đang lan tràn khắp nước Mỹ, có ý kiến còn gây sốc khi cho rằng những cuộc tấn công như vậy có thể là một “điều bình thường mới” không thể tránh khỏi.
Lũ lụt gây thiệt hại tại nhiều khu vực trên thế giới
Trong tuần qua, mưa lớn bất thường, thậm chí có nơi ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 100 năm qua xảy ra trong 24 giờ, đã gây lũ quét tàn phá nhiều khu vực rộng lớn kèm theo hiện tượng vỡ đê nghiêm trọng tại các quốc gia Trung Âu bao gồm Áo, Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc. Thảm họa khiến 24 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập và cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề. Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố gói hỗ trợ 10 tỷ euro từ của Quỹ Liên kết của Liên minh châu Âu (EU) cho các quốc gia Trung Âu bị ảnh hưởng, hỗ trợ tái thiết và khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, tại Đông Nam Á, sau khi đi sâu vào đất liền, bão Yagi vẫn thể hiện sức tàn phá khủng khiếp. Số người thiệt mạng tại Myanmar hiện đã tăng gấp đôi, lên gần 270 người, trong khi gần 80 người vẫn còn mất tích. Thái Lan đánh giá thiệt hại do lũ sau bão là nghiêm trọng nhất trong 80 năm qua và gây thiệt hại tới 27 tỷ baht (khoảng 811 triệu USD) đối với nền kinh tế nước này. hủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã chỉ thị thành lập một trung tâm quốc gia để theo dõi tình hình lũ lụt trên cả nước, cũng như 2 cơ quan mới để điều phối các nỗ lực ứng phó lũ lụt và phục hồi sau lũ lụt.
Tại châu Phi, 400.000 nạn nhân lũ lụt ở khu vực Đông Bắc của Nigeria đang trong tình trạng cần hỗ trợ lương thực, nước uống, vệ sinh, nơi tạm trú và vệ sinh môi trường sau khi trải qua cơn lũ nghiêm trọng nhất sau 30 năm hồi đầu tháng 9. Lũ lụt trên khắp Nigeria đã tàn phá hơn 125.000 ha đất nông nghiệp ngay trước vụ thu hoạch. Đợt thiên tai này xảy ra vào thời điểm 32 triệu người đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và hiện mạng sống của 230.000 trẻ em đang bị đe dọa do suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo lần 2 trong chưa đầy một tuần
Hãng thống tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19/9 đưa tin Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo chiến thuật mới sử dụng đầu đạn siêu lớn và tên lửa hành trình cải tiến vào hôm 18/9 do Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ đạo, kêu gọi tăng cường năng lực vũ khí thông thường và hạt nhân của nước này.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc cũng ra thông báo Triều Tiên ngày 18/9 đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) theo hướng Đông Bắc. Seoul cho biết họ đã chia sẻ thông tin với Washington và Tokyo, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động khác nhau của Triều Tiên và duy trì sự sẵn sàng "phản ứng áp đảo trước mọi hành động khiêu khích". Văn phòng tổng thống Hàn Quốc được cho là đã triệu tập một cuộc họp ngay sau vụ phóng để xem xét tình hình an ninh và các biện pháp đối phó với các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.
Vụ phóng diễn ra 6 ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ thử hệ thống tên lửa phóng loạt 600mm (MLRS), một loại tên lửa mà trước đây ông tuyên bố có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Trước đó, đầu tháng 7, Triều Tiên đã phóng một SRBM, tuyên bố thử nghiệm phiên bản mới của tên lửa Hwasong-11C "có gắn đầu đạn nặng mô phỏng".
Loạt vụ phóng diễn ra trong bối cảnh hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát một số cơ sở hạt nhân tại nước này, trong đó yêu cầu đẩy mạnh và tăng cường năng lực hạt nhân nhằm đối phó với những mối đe dọa từ bên ngoài. Đó là lần đầu tiên Triều Tiên tiết lộ hình ảnh về các cơ sở như vậy, một động thái mà một số chuyên gia coi là nỗ lực thể hiện những tiến bộ về hạt nhân của mình bất chấp các lệnh trừng phạt lâu dài.