Bà Harris làm nên lịch sử với đề cử của đảng Dân chủ
Với việc chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ trong đại hội toàn quốc của đảng kéo dài 4 ngày vừa qua tại Chicago (bang Illinois), nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử khi trở thành nữ ứng viên tổng thống da màu đầu tiên và có gốc Nam Á đầu tiên của nước Mỹ.
Trong bài phát biểu ngày cuối cùng của đại hội, bà Kamala Harris khẳng định nước Mỹ không chia rẽ như mô tả của ông Donald Trump - ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Bà Harris kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết và thống nhất, đồng thời cho rằng cuộc bầu cử sắp tới là “một cơ hội quý giá để vạch ra một con đường mới phía trước” cho tương lai nước Mỹ.
Trong bài phát biểu được đánh giá là đưa ra những quan điểm sâu sắc nhất của cá nhân bà về an ninh quốc gia kể từ khi trở thành ứng cử viên tổng thống, nữ Phó Tổng thống Harris cam kết củng cố mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh NATO và cho biết đất nước phải tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Phó tổng thống cũng tuyên thệ sẽ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến của Israel nhằm vào Hamas, giúp ổn định khu vực, đồng thời không ngần ngại bảo vệ lực lượng Mỹ trước những hành động khiêu khích từ Iran và các đối thủ khác.
Về chính sách kinh tế, bà Harris cho biết nếu đắc cử Tổng thống, bà dự kiến thông qua một đợt cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, mang lại lợi ích cho hơn 100 triệu người Mỹ.
Hành trình của bà Harris trong vai trò Phó Tổng thống đến ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2024 đã được đánh dấu bởi những thay đổi đáng kể, từ những khó khăn ban đầu và bị chỉ trích công khai đến việc trở thành nhà lãnh đạo tự tin và năng động hơn.
Kể từ khi thay thế Tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm 21/7, trở thành người đại diện của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Harris đã cho thấy rõ sức hút của mình.
Bên cạnh việc huy động được số tiền gây quỹ cho chiến dịch vận động tranh cử kỷ lục, gấp hơn 4 lần so với số tiền mà chiến dịch vận động tranh của của ông Trump nhận được trong cùng tháng 7, thì kết quả khảo sát do nhiều cơ quan truyền thông, tổ chức thăm dò dư luận tiến hành cho thấy bà Harris đã giành được sự ủng hộ đáng kinh ngạc trong khối cử tri Dân chủ cốt lõi cũng như truyền thống và nhóm cử tri độc lập. Đặc biệt, kết quả thăm dò dư luận mới nhất trong ngày 22/8 cho thấy các cử tri người Mỹ gốc Phi ủng hộ bà đang cao hơn so với ứng cử viên Donald Trump. Ngoài ra, tỷ lệ cử tri da màu có bằng cấp và trẻ tuổi ủng hộ bà Harris cũng tăng mạnh so với thời điểm trước khi bà trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, với tỷ lệ 84% trong tháng 8 so với mức 74% hồi tháng 5.
HĐBA LHQ sốt sắng tháo ‘ngòi nổ” Trung Đông
Ngày 22/8, các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp để lắng nghe các quan chức cấp cao thảo luận về tình hình thực tế tại Trung Đông, một khu vực đang bị xáo trộn vì cuộc chiến Gaza trong bối cảnh cuộc xung đột bước sang tháng thứ 11. Các thành viên Hội đồng, cùng với các phái đoàn đại diện của Israel và Palestine, đã chia sẻ lập trường của họ trong một cuộc thảo luận căng thẳng.
Kết thúc cuộc họp, HĐBA LHQ kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và thực hiện các nghị quyết đã thông qua trước đó. Theo ông Tor Wennesland - Điều phối viên đặc biệt của Tiến trình hòa bình Trung Đông, khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng leo thang không thể kiểm soát được. Quan chức LHQ cho rằng các lệnh sơ tán liên tiếp của quân đội Israel tại Gaza là mối đe dọa đối với những người Palestine vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng vì chiến sự và nay lại liên tục mất nơi nương náu, đồng thời làm dấy lên quan ngại rằng các dịch vụ thiết yếu có nguy cơ sớm bị cắt đứt.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Trung Quốc tại LHQ Phó Thông đánh giá Israel vẫn không ngừng các hoạt động quân sự ở Dải Gaza, gây nhiều thương vong mới mỗi ngày, và Tel Aviv cũng phớt lờ những lời kêu gọi ngừng bắn. Đại sứ Trung Quốc cũng hối thúc Israel thuân thủ mọi nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế, bao gồm việc mở các cửa khẩu cho hàng cứu trợ vào Gaza. Về phần mình, Phó Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Liên bang Nga tại LHQ Dmitry Polyansky bày tỏ lấy làm tiếc khi HĐBA không thể ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza suốt 11 tháng qua.
Hơn 1,9 triệu người, trong số 2,3 triệu dân của Gaza, đã buộc phải di tản do xung đột nổ ra tại vùng đất bị phong toả của người Palestine. Số người chết kể từ khi Israel phát động cuộc chiến chống lại Hamas đã lên tới 40.000 người.
Nga-Trung tăng cường hợp tác, bảo vệ lợi ích trước sức ép phương Tây
Ngày 20-22/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm Nga theo lời mời của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, để đồng chủ trì cuộc họp thường kỳ lần thứ 29 giữa người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc-Nga.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh Moskva và Bắc Kinh nên cùng nhau bảo vệ lợi ích và các nguyên tắc của trật tự thế giới đa cực trước những sức ép trừng phạt từ phương Tây.
"Chúng ta đang ở trong tình hình mà bên ngoài gây khó khăn… Các nước phương Tây đang cố gắng duy trì sự thống trị toàn cầu của mình và kiềm chế tiềm năng kinh tế và công nghệ của Nga và Trung Quốc. Điều quan trọng là chúng ta phải tập trung nỗ lực vào việc bảo vệ lợi ích chung của hai nước, xây dựng trật tự thế giới đa cực và tăng cường phối hợp trên các nền tảng quốc tế”, Thủ tướng Mishustin phát biểu.
Trong cuộc họp, hai nước nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại song phương; cam kết tối ưu hóa cơ cấu thương mại, tạo ra các mũi nhọn tăng trưởng mới cho nền kinh tế của hai nước và kim ngạch thương mại song phương, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Hai lãnh đạo chính phủ Nga và Trung Quốc đã ký kết kế hoạch hợp tác đầu tư.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Lý Cường hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai bên cho biết đã xây dựng các kế hoạch hợp tác quy mô lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong nhiều năm tới, đồng thời sẵn sàng mở rộng hợp tác cùng có lợi.
Cuộc họp thường kỳ giữa người đứng đầu chính phủ Nga-Trung được thành lập năm 1996, bao gồm năm ủy ban liên chính phủ hoạt động ở cấp phó thủ tướng, cũng như 80 tiểu ban và nhóm làm việc theo từng lĩnh vực cụ thể. Cuộc họp gần đây nhất được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 19/12/2023.
Diễn biến phức tạp của bệnh đầu mùa khỉ
Trong tuần qua, Thái Lan, Argentina và Gabon là những quốc gia mới nhất có tên trong các nước phát hiện các ca nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Theo truyền thông địa phương, người đàn ông bị nghi nhiễm chủng mới nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ tại Thái Lan là một người châu Phi nhập cảnh.
Trong khi đó, Bộ Y tế Gabon cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên, song chưa xác định được bệnh nhân nhiễm biến thể nào của virus. Bệnh nhân là nam giới 30 tuổi, trở về từ Uganda và có biểu hiện sốt cùng các tổn thương trên da.
Bộ Y tế Argentina cũng thông báo đã phát hiện trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này. Bệnh nhân nam 22 tuổi hiện đang tự cách ly tại nhà. Trước đó, người này không có tiền sử đi du lịch ra ngoài lãnh thổ Argentina.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ngày 23/8, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi hành động chung toàn cầu để kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới, đồng thời cho biết kế hoạch ứng phó sẽ cần ít nhất 135 triệu USD trong 6 tháng tới.
Trong một diễn biến liên quan, WHO cho biết các đối tác của tổ chức như Liên minh vaccine (Gavi) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) có thể bắt đầu mua vaccine mpox trước khi vaccine này được WHO cấp phép. Điều này nhằm đẩy nhanh hơn việc đưa vaccine đến châu Phi trong bối cảnh lục địa này đang phải chống chọi với sự bùng phát của bệnh.
Các triệu chứng ban đầu khi nhiễm virus đậu mùa khỉ thường giống như triệu chứng mắc cúm, bao gồm sốt, ớn lạnh, kiệt sức, đau đầu và đau cơ. Theo sau đó là phát ban đau hoặc ngứa với các nốt loét nổi lên đóng vảy và tự khỏi trong nhiều tuần.
Đậu mùa khỉ có hai nhánh di truyền là I và II. Nhánh II là thủ phạm gây ra đợt bùng phát trên thế giới mà WHO từng tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023.
Nhưng đợt bùng phát mới hiện nay là do nhánh I gây ra và nhánh này gây bệnh nặng hơn. Nhánh Ib là nhánh phụ của nhánh I và tương đối mới. Tiến sĩ Daniel Bausch, cố vấn cấp cao về an ninh y tế toàn cầu tại FIND (một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu về công bằng y tế), cho biết: “Do một số yếu tố khác nhau, Ib đã nổi lên là một đột biến mới thích nghi với con người”.
Nhiều tín hiệu kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong tháng tới
Trong hội nghị chuyên đề thường niên dành cho các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole ở Wyoming ngày 23/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có những tuyên bố làm dấy lên kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 9. "Đã đến lúc điều chỉnh chính sách”, ông Powell ca ngợi tiến triển trong cuộc chiến giảm lạm phát.
Với mức tăng trưởng giá hiện đang trên con đường bền vững trở lại mức bình thường, ông Jerome Powell ra tín hiệu ngân hàng trung ương đã sẵn sàng bắt đầu giảm lãi suất từ tháng tới.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có tăng nhẹ vào tháng trước, nhưng ông Powell bày tỏ sự tin tưởng có lý do chính đáng để tin rằng lạm phát có thể giảm thêm mà không gây tổn hại đến nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu Fed hành động ngay bây giờ.
Hai năm trước, khi lạm phát tăng vọt trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách tại Fed đã phải vật lộn để hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ bằng cách tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hai thập kỷ.
Các quan chức hy vọng sẽ đưa nền kinh tế Mỹ hướng tới đích "hạ cánh mềm", theo đó lạm phát được bình thường hóa và tránh được suy thoái. Mục tiêu lạm phát của Fed là 2%.
Ngược với bình luận của ông Powell, thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey cảnh báo nền kinh tế Anh vẫn phải đối mặt với rủi ro từ lạm phát cao có thể đòi hỏi lãi suất phải duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
"Còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Chúng ta cần phải thận trọng vì công việc vẫn chưa hoàn thành - chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu một cách bền vững", ông phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Jackson Hole.
Ngân hàng trung ương Anh đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19 vào đầu tháng này, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm trong chi phí đi vay xuống còn 5%. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã cắt giảm lãi suất vào tháng 6, nhưng kể từ đó vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách chính.
Lạm phát của Anh đã tăng trên mục tiêu 2% vào tháng 7, đạt 2,2%. Ngân hàng tủng ương cảnh báo lạm phát của Anh có thể đạt đỉnh ở mức khoảng 2,75%, trước khi giảm xuống dưới mục tiêu đặt ra trong vòng hai năm tới.
Đồng bảng Anh tăng khoảng 1% so với đồng USD trên thị trường tiền tệ quốc tế sau những bình luận của cả hai ngân hàng trung ương.