Nông dân châu Âu gặp khó vì các quy định liên quan môi trường

EU có mục tiêu chung là đến năm 2050 phải đạt mức phát thải "bằng 0". Đối với nông nghiệp, những thay đổi dự kiến bao gồm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.

Chú thích ảnh
Nông dân tuần hành phản đối "Thỏa thuận xanh" của EU tại thủ đô Vacsava, Ba Lan ngày 27/2. Ảnh: PAP/TTXVN

Ông Jean-Michel Sibelle sở hữu trang trại rộng 107 ha ở miền Đông nước Pháp, chuyên chăn nuôi giống gà “hoàng gia” có tên Poulet de Bresse. Poulet de Bresse không phải gà bình thường. Giống gà này được công nhận vào năm 1957 và có chỉ dẫn địa lý, tương tự như rượu Bordeaux vốn nổi tiếng ở thành phố cùng tên.

Tuy rất thích công việc nhưng người nông dân 59 tuổi này cũng đang kiệt sức bởi thực tế khắc nghiệt. Ông Sibelle cảm thấy việc lao động 70 giờ một tuần chẳng còn ý nghĩa gì nữa khi bị siết chặt bởi các quy định về môi trường của Liên minh châu Âu và Pháp, đồng thời phải đối mặt với chi phí tăng cao và cạnh tranh không được kiểm soát.

Ông và vợ sắp bán trang trại có tuổi đời hơn một thế kỷ của gia đình. Không ai trong số ba đứa con của cặp vợ chồng muốn tiếp quản trang trại. Đó cũng là xu hướng chung khi tỷ lệ dân số Pháp làm nông nghiệp giảm đều đặn trong thế kỷ qua xuống còn khoảng 2%.

Ông Sibelle than phiền: “Chúng tôi bị bóp nghẹt bởi các quy chuẩn, đến mức không thể tiếp tục”.

EU có mục tiêu chung là đến năm 2050 phải đạt mức phát thải "bằng 0". Đối với nông nghiệp, những thay đổi dự kiến bao gồm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.

Ông Arnaud Rousseau, Chủ tịch FNSEA, hiệp hội nông dân lớn nhất của Pháp, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Không có ích gì khi nói về các biện pháp canh tác giúp bảo vệ môi trường nếu nông dân không thể kiếm sống. Sinh thái học không có kinh tế là vô nghĩa”.

Bên cạnh đó, bà Anne-Kathrin Meister thuộc Liên đoàn Thanh niên Nông thôn Đức (BDL) cho rằng ngành nông nghiệp không phản đối cải cách môi trường nhưng cần được hỗ trợ nhiều hơn. Theo bà, nông dân là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi hệ thực vật và động vật bị suy thoái.

Ngoài ra, người nông dân còn phải đối mặt với giá phân bón và nhiên liệu tăng vọt ở châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đây không phải câu chuyện chỉ riêng của Pháp. Tâm lý bất mãn khiến nông dân bỏ cuộc và biểu tình khắp châu Âu có nguy cơ gây ra nhiều tác động hơn thay vì chỉ thay đổi cách Lục địa già sản xuất thực phẩm.

Chú thích ảnh
Nông dân phong tỏa đường cao tốc ở Longvilliers, Pháp, trong cuộc biểu tình ngày 29/1. Ảnh: THX/TTXVN

Những khó khăn mà nông dân chỉ ra bao gồm yêu cầu của EU về cắt giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Quyết định mở cửa cho ngũ cốc và gia cầm Ukraine có giá rẻ hơn đã làm tăng thêm vấn đề cạnh tranh trong khối vốn có chi phí lao động rất khác nhau. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, EU đã giảm trợ cấp cho nông dân, đặc biệt nếu họ không chuyển sang các phương pháp thân thiện với môi trường hơn.

Trong những tuần gần đây, nông dân châu Âu đã chặn đường cao tốc và xuống đường ở nhiều thủ đô châu Âu. Vào tháng 3, nông dân Đức rải phân lên đường cao tốc gần Berlin khiến nhiều ô tô va chạm, dẫn đến 5 người bị thương nặng. Trong khi đó, nông dân Tây Ban Nha tiêu hủy nông sản của Maroc vốn được trồng với chi phí rẻ hơn. Nông dân Ba Lan phẫn nộ trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ Ukraine. Người nông dân Pháp, trút cơn giận lên Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến thăm gần đây của ông tới Hội chợ Nông nghiệp Paris. Họ phàn nàn rằng chỉ việc đào mương, tỉa hàng rào hoặc đỡ đẻ cho bò cũng phải đối mặt với mê cung các yêu cầu pháp lý.

Ông Fabrice Monnery (50 tuổi), sở hữu trang trại ngũ cốc rộng 174ha, nằm trong số đó. Ông cho biết chi phí của hệ thống tưới tiêu bằng điện đã tăng gấp đôi vào năm 2023 và phân bón tăng gấp ba.

Bất bình của người nông dân đang làm giảm mục tiêu khí hậu tại châu Âu. Vào tháng 2, dưới áp lực từ các cuộc biểu tình của nông dân, EU đã bãi bỏ Dự luật chống thuốc trừ sâu. Chính những người nông dân cũng đang định hình lại nền chính trị trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.

Các đảng cực hữu tại châu Âu đã tập trung vào bất bình của người nông dân khi chỉ còn ba tháng là diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Thông điệp của các đảng này nhấn mạnh vùng nông thôn là nơi gìn giữ truyền thống dân tộc đang bị tấn công bởi sự hiện đại, đường hướng chính trị và vấn đề nhập cư, bên cạnh hàng loạt các quy định về môi trường mà theo quan điểm của họ là thách thức lẽ thường. Những thông điệp như vậy gây tiếng vang với nhóm cử tri cảm thấy bị lãng quên.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Nghịch lý giá cacao đắt hơn giá đồng nhưng người nông dân vẫn phải nhận trái đắng
Nghịch lý giá cacao đắt hơn giá đồng nhưng người nông dân vẫn phải nhận trái đắng

Chỉ trong vài tháng, giá cacao trên thị trường toàn cầu tăng 3 lần. Với diễn biến này, người nông dân kỳ vọng tăng thu nhập và giảm đói nghèo nhưng thực tế lại khác biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN