“Nóng bỏng” cuộc chiến chống khủng bố

Chống khủng bố là một trong những chủ đề được dư luận thế giới quan tâm nhất trong năm qua, khi mà hậu quả do các vụ khủng bố gây ra là điều mà ai cũng cảm nhận được.

Năm có nhiều “điểm đen”

Ngày 7/1/2015, khi thế giới bước vào năm mới được đúng một tuần, nước Pháp rúng động bởi các vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn Tạp chí biếm họa Charlie Hebdo và trung tâm thương mại ở thủ đô Paris, làm 17 người chết, nhiều người khác bị thương. Ngày 4/2, quân khủng bố Boko Haram ở Nigeria gây ra vụ thảm sát đặc biệt đẫm máu ở thị trấn Fotokok giáp ranh Cameroon, làm 500 người thiệt mạng. 

Lực lượng cứu hộ chuyển người bị thương trong vụ tấn công ở Nhà hát Bataclan, Paris ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 13/11, các phần tử thánh chiến có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện một loạt vụ tấn công liên hoàn ở ngay trung tâm thủ đô Paris, làm 130 người chết. Hôm 3/12 vừa qua, một số phần tử vũ trang bị “cực đoan hóa”, từng tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi xả súng tại Trung tâm chăm sóc người khuyết tật ở San Bernadino, bang California (Mỹ), làm 14 người chết, 17 người bị thương. Đó chỉ là một số vụ điển hình, còn hàng nghìn vụ tấn công khủng bố khác xảy ra trên thế giới trong năm qua, nhất là tại các quốc gia bất ổn như Iraq, Libya, Lebanon, Syria…

Nói thế để thấy rằng năm 2015 là “điểm đen” của thế giới về khủng bố. Tần suất các vụ tấn công dày hơn, diễn ra ở hầu khắp các khu vực trên thế giới. Chưa bao giờ cụm từ khủng bố, chống khủng bố lại xuất hiện dày đặc, liên tục trên báo chí, truyền thông như năm qua. Chống khủng bố đã trở thành tâm điểm của dư luận toàn cầu, chủ đề thảo luận then chốt tại hầu hết các hội nghị thượng đỉnh, chương trình nghị tầm thế giới, khu vực.

Nhiều nỗ lực quốc tế diệt trừ quân khủng bố đã được ghi nhận. Ngoài hoạt động của liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, tháng 9/2015, Nga cho mở chiến dịch không kích nhằm vào quân khủng bố tại Syria. Ngày 15/12 vừa qua, một liên minh quốc tế chống khủng bố khác gồm 34 quốc gia Hồi giáo do Saudi Arabia đứng đầu cũng đã được thành lập. Nhiều nước cũng đã chủ động gia tăng nguồn lực tài chính, con người, luật pháp cho cuộc chiến này, nhất là hoạt động của các cơ quan tình báo-an ninh nhằm phát hiện, ngăn chặn sớm những vụ tấn công đẫm máu do các phần tử thánh chiến, cực đoan tiến hành…

Thế nhưng chừng đó là không đủ. Chưa có một thống kê cuối cùng, nhưng giới chuyên gia trong lĩnh vực chống khủng bố cho rằng thiệt hại mà khủng bố gây ra trên phạm vi toàn cầu trong năm qua chắc chắn vượt qua những con số kỉ lục từng được ghi nhận trong năm 2014 - một năm mà các vụ tấn công khủng bố làm hơn 33.000 ngàn người (đa phần là dân thường) thiệt mạng, gây ra tổn thất tài chính 53 tỉ USD (Số liệu của Viện kinh tế và Hòa bình - IEP, trụ sở tại Australia). Đó mới chỉ là phần tổn thất có thể định lượng được. Những mất mát “vô hình” còn lớn hơn rất nhiều. Đó là việc 1 triệu trẻ em không được đến trường chỉ tính riêng ở Nigeria, do các hoạt động chống phá của nhóm Boko Haram - Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 20/12/2015 cho biết. Là tình cảnh chạy nạn của hàng triệu người dân Syria mà phần nguyên nhân chính là chốn chạy IS. Ở tầng nấc sâu hơn, đó còn là việc nỗi lo sợ khủng bố đã bắt đầu xâm lấn vào suy nghĩ của một bộ phận người dân.

Cuộc chiến cam go

Chống khủng bố nói chung và chống IS nói riêng là nhiệm vụ đầy thử thách - Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tại buổi họp báo cuối năm hôm 18/12. Theo Otso Iho, chuyên gia phân tích đầu ngành tại Tổ chức tư vấn Protection Group International, thách thức chính nằm ở chỗ, hoạt động khủng bố đã có bước chuyển đổi theo hướng tinh vi, phức tạp, khó đoán định. Đơn cử như IS, đội quân thánh chiến đã xác lập được một hình thái “Vương quốc” (Caliphate) riêng, với một vùng lãnh thổ trải dài từ Iraq tới Syria, với một bộ máy hành chính, cai trị, có nguồn thu tài chính… lôi kéo hàng chục nghìn phần tử cực đoan đổ về đây. Hoạt động tuyển mộ được chúng thực hiện ráo riết, thông qua cỗ máy tuyên truyền dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông mạng xã hội… Không những vậy, trùm sò IS còn tạo lập các ổ nhóm “ngủ đông” trên phạm vi toàn thế giới, đứng chân tại các nước bản địa, sẵn sàng nhận lệnh trực tiếp từ “Nhà nước”, thực hiện các vụ tấn công đẫm máu, kể cả theo hình thức “sói đơn độc”.

Một quốc gia đơn lẻ không thể chiến thắng được chủ nghĩa khủng bố, nhất là trong bối cảnh biên giới giữa các nước gần như được mở toang - Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu quan điểm trong bản thông điệp liên bang hôm 3/12. Điểm đầu tiên và quan trọng nhất là phải có cách hiểu đúng về khủng bố, tránh áp đặt cái gọi là “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến cam go này. Vấn đề tưởng chừng đơn giản này chưa có được câu trả lời toàn diện. Đơn cử như tại Syria, trong khi chính quyền Damascus, Nga, Iran xem Jabhat al-Nusra (một nhánh của al-Qaeda) là khủng bố thì Mỹ, nhiều quốc gia vùng Vịnh lại coi đây là “quân nổi dậy”, “lực lượng đối lập ôn hòa”. Có được nhận thức thống nhất mới loại trừ được việc một thế lực nào đó muốn sử dụng vỏ bọc chống khủng bố làm công cụ chính trị vì lợi ích vị kỉ, can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Cuộc chiến chống khủng bố, theo ông Putin, khi đó mới thực chất là cuộc đấu tranh vì tự do, vì cuộc sống con người và vì tương lai của nhân loại.

Kế đến, chống khủng bố phải trên tất cả các phương diện. Đó là việc sử dụng vũ lực tiêu diệt các nhóm cực đoan như IS, al-Qaeda, Boko Haram, không cho chúng cơ hội hình thành nên các “Nhà nước” với một vùng lãnh thổ rõ rệt. Chặt đứt các nguồn tài chính bất minh là biện pháp quan trọng để tước đi nguồn “sinh khí” nuôi sống quân khủng bố. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, chia sẻ thông tin tình báo, kiểm soát hiệu quả các tuyến biên giới, sử dụng sức mạnh truyền thông, công nghệ ngăn chặn hoạt động tuyển mộ, lôi kéo của quân khủng bố… Tất cả các hoạt động này đòi hỏi phải có sự hợp tác, điều phối ở cấp độ toàn cầu.

Về lâu dài, theo Giáo sư Daniel C. Kurtzer thuộc Viện Trung Đông (MEI) có trụ sở ở Washington, cựu Đại sứ Mỹ tại Ai Cập và Israel, cuộc chiến chỉ có thể đạt được thành quả rõ nét, bền vững khi thu hẹp và tiến tới xóa bỏ “cơ sở xã hội” của khủng bố - nói khác là những “mảnh đất” dễ làm sinh sôi tư tưởng hận thù, bất mãn, cực đoan. Đó là cả một chặng đường dài, gắn với tiến trình phát triển của mỗi quốc gia hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng, giàu mạnh trong một thế giới hòa bình, hợp tác, cùng phát triển.
Hoài Thanh
Liên minh chống khủng bố - Vừa thừa vừa thiếu
Liên minh chống khủng bố - Vừa thừa vừa thiếu

Dư luận thế giới gần đây tỏ ra bất ngờ sau khi Saudi Arabia đột ngột công bố kế hoạch thành lập một liên minh chống khủng bố gồm 34 quốc gia Hồi giáo. Sự ra đời của liên minh chống khủng bố mới khiến dư luận thắc mắc về sự cần thiết và động cơ vì đa số các thành viên này cũng đang góp mặt trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) 62 thành viên do Mỹ dẫn đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN