Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói với hãng TASS rằng có khoảng 12 đến 14 tổ chức sẽ tham dự hội nghị có lịch trình khai mạc từ hôm 29/2 và diễn ra trong hai hoặc ba ngày.
Kênh DW (Đức) cho biết đại diện của cánh chính trị Hamas, tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ), Fatah, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đều góp mặt trong hội nghị này.
Các tổ chức này có quan điểm khác nhau về nhiều chủ đề, ví dụ như công nhận Israel là một nhà nước. PLO đã công nhận Israel vào năm 1993, một phần để đổi lấy việc thành lập một nhà nước Palestine. Nhưng Hamas đã bác bỏ lập trường đó trong nhiều năm.
Bạo lực cũng bùng phát giữa các tổ chức của người Palestine. Sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Gaza năm 2006, lực lượng này không đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Fatah và giao tranh đã nổ ra. Fatah cuối cùng rời Gaza, để Hamas nắm quyền ở dải đất này và hiện quản lý Bờ Tây. Cơ quan quản lý của Fatah ở Bờ Tây mang tên Chính quyền Palestine (PA)
Chuyên gia Ruslan Suleymanov tại Baku (Azerbaijan) nói với DW rằng trước đây đã có hòa giải giữa các nhóm nhưng chúng chưa bao giờ hiệu quả.
Chuyên gia Hugh Lovatt tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định với DW: “Hội nghị này tại Nga là một cách để chứng tỏ rằng Moskva có năng lực ngoại giao để đóng vai trò thực tế trong hỗ trợ đoàn kết dân tộc của người Palestine”. Tuy nhiên, ông đề cập rằng các cuộc đàm phán hòa giải trước đây tổ chức tại Moskva, Algiers (Algeria) và Cairo (Ai Cập) cũng không thành công trong việc đạt được thỏa thuận hòa giải lâu dài giữa các bên.
Theo ông Lovatt, kịch bản đưa PA trở lại Gaza hậu xung đột và sáp nhập Hamas về mặt chính trị ở Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ phải dựa trên thỏa thuận giữa Hamas và PA.
Đối với Thủ tướng chính quyền Palestine Mohammad Shtayyeh, đây là một khả năng. Đầu tháng 2, ông Shtayyeh nói với các phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) rằng Hamas là một phần không thể thiếu trên chính trường Palestine. Ông nêu rõ: "Họ cần tham gia vào chương trình nghị sự chính trị của chúng tôi. Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Hai quốc gia nằm ở biên giới năm 1967, thông qua các biện pháp hòa bình. Người Palestine cần phải ở chung một mái nhà".
Nhưng trong một diễn biến mới gần ngày khai mạc hội nghị, vào hôm 26/2, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Mahmoud Abbas. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực làm xoa dịu cuộc xung đột tại Gaza và bắt đầu tập trung vào một cơ cấu chính trị để quản lý vùng đất này thời hậu xung đột. Do đó, có nhiều lo ngại nó có thể ảnh hưởng đến kế hoạch liên quan đến Gaza hậu xung đột.
Ngoài ra, một số quốc gia cho rằng Hamas sẽ không thể đóng vai trò quản lý sau khi xung đột kết thúc. Đặc biệt, Israel phản đối phương án này. Hơn thế nữa, thái độ cứng rắn của Hamas không công nhận Israel sẽ khó phù hợp với đường lối của PLO vốn đã công nhận Israel. Nhưng đối với Nga, ngay cả khi hội nghị tại Moskva không đạt kết quả tốt thì nó cũng không mang ý nghĩa tiêu cực. Hội nghị vẫn sẽ giúp củng cố vai trò tương lai của Nga ở Trung Đông.
Trong nhiều năm, Moskva đã giữ mối quan hệ bền chặt với Tel Aviv mặc dù vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với một trong những đối thủ trong khu vực của Israel là Iran. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ không đồng tình với Moskva và nhiều người Ukraine đã chạy sang Israel. Tuy nhiên, nhà phân tích Suleymanov ở Baku tin rằng Nga thực sự cũng không thể mất Israel. Cộng đồng nói tiếng Nga là cộng đồng thiểu số lớn nhất ở Israel với gần một triệu người gốc Do Thái di cư đến Israel sau khi Liên Xô tan rã.