Những thách thức Thủ tướng tương lai của Pakistan sẽ phải đối mặt

Sau khi ông Imran Khan không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Quốc hội ngày 9/4, ông Shehbaz Sharif nhiều khả năng sẽ là tân Thủ tướng Pakistan và ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước.

Chú thích ảnh
Ông Nawaz Sharif (trái) lúc còn là Thủ tướng và ông Shahbaz Sharif (phải) tại một sự kiện ở Lahore ngày 20/5/2013. Nguồn: EPA/TTXVN

Kết quả cuộc bỏ phiếu đã được Chủ tịch Hạ viện Ayaz Sadiq công bố vào lúc 1h sáng ngày 10/4 (theo giờ địa phương) sau phiên họp kéo dài 13 giờ, với nhiều lần trì hoãn. Có 174 nghị sĩ trong số 342 thành viên Hạ viện bỏ phiếu thông qua nghị quyết bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Khan, một tỉ lệ sít sao, khi chỉ chênh hai phiếu so với tỉ lệ quá bán.

Với kết quả này, Quốc hội Pakisstan dự kiến sẽ triệu tập phiên họp trong ngày 11/4 để bầu Thủ tướng mới. Hiện ông Shehbaz Sharif là ứng cử viên hàng đầu để trở thành lãnh đạo mới của Pakistan. Ông Shehbaz là em trai của ông Nawaz Sharif, người từng 3 lần giữ cương vị Thủ tướng Pakistan. Còn ông Khan sẽ quay trở lại vị trí của một nhân vật đối lập.

Shehbaz Sharif năm nay 70 tuổi và là Chủ tịch đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N). Ông là con trai trong một gia đình giàu có, khởi nghiệp từ công việc kinh doanh của gia đình trước khi tham gia hoạt động chính trị. Nếu như người anh trai Nawaz Sharif từng có ba nhiệm kỳ làm Thủ tướng, ông Shehbaz cũng từng có ba kỳ làm Thủ hiến bang Punjab, bang đông dân nhất Pakistan và đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước.

Sự nghiệp chính trị của ông từng bị gián đoạn bởi cuộc đảo chính quân sự, khi quân đội lật đổ Nawaz Sharif khỏi cương vị Thủ tướng năm 1999, buộc hai người anh em còn lại phải tạm thời sống lưu vong ở nước ngoài. Giống như người anh, ông Shehbaz Sharif bị cáo buộc nhận hối lộ. Dòng tộc nhà Sharif bác bỏ điều này, cho rằng đó là những cáo buộc mang động cơ chính trị.

“Một bình minh mới đã bắt đầu. Liên minh sẽ xây dựng lại Pakistan", ông Shehbaz phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Imran Khan được công bố.

Nếu được chọn làm tân Thủ tướng tại Pakistan, danh tiếng bấy lâu của Shehbaz Sharif dưới góc độ là một nhà kỹ trị tài năng sẽ được kiểm định qua nhiều thử thách khắc nghiệt. Nền kinh tế Pakistan đang hỗn loạn, lạm phát tăng 13% do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Đồng nội tệ rupee liên tục mất giá trong nhiều tháng qua, khủng hoảng cán cân thanh toán cận kề…

Ông Shehbaz cũng sẽ học hỏi từ chính những gì mà người anh trai từng nếm trải trong xử lý mối quan hệ với phái quân đội. Chính ông Nawaz Sharif cùng người con gái đã lên tiếng chống lại giới tướng lĩnh, cáo buộc quân đội can thiệp vào chính trị và rồi phải hứng chịu kết cục không mấy tốt đẹp. Ông Shehbaz đã luôn thể hiện quan điểm mềm mỏng hơn và quân đội cũng xem ông là ứng cử viên duy nhất trong đảng đối lập phù hợp với cương vị Thủ tướng Pakistan.

Quan hệ đối ngoại cũng là một thử thách. Chính phủ mới tại Pakistan có thể sẽ cần phải đẩy nhanh tiến trình phục hồi quan hệ với Mỹ, khi chính ông Khan đã tố cáo (nhưng không nêu bằng chứng) về việc Washington đứng đằng sau kế hoạch loại bỏ ông khỏi cương vị Thủ tướng. Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) sẽ đóng vai trò nổi bật trong chính phủ mới. PPP trong quá khứ duy trì quan hệ hữu hảo với Mỹ, nên những rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Pakistan mà ông Imran Khan gây ra có thể không phải là thách thức quá lớn, sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa.

Nhưng trong quan hệ với các nước láng giềng của Pakistan, sức nặng và ảnh hưởng của ông Shehbaz Sharif có thể bị hạn chế. Giới tướng lĩnh Pakistan là người “đóng đinh” chính sách của Islamabad với Ấn Độ và Afghanistan. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, tướng Qamar Javed Bajwa, ngày 2/4 tuyên bố ông muốn thúc đẩy đàm phán với Ấn Độ để tạo bước tiến trong xử lý tranh chấp ở Kashmir.

Với Afghanistan, có thể sẽ xuất hiện tình thế khó khăn cho Pakistan. Bất chấp việc Islamabad thuyết phục các nước phương Tây can dự với Taliban, lực lượng bất ngờ lên nắm quyền ở Kabul hồi năm ngoái, Taliban vẫn chưa được thế giới công nhận và vẫn nằm trong diện trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Chiến thắng của Taliban cũng cổ vũ các phần tử thánh chiến ở Pakistan, đẩy số này gia tăng các vụ tấn công khủng bố.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (The Economist)
Thủ tướng Pakistan không vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thủ tướng Pakistan không vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm

Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 10/4 đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Kết quả cuộc bỏ phiếu đã được Chủ tịch Hạ viện Ayaz Sadiq công bố vào lúc 1h sáng theo giờ địa phương sau phiên họp kéo dài 13 giờ, với nhiều lần trì hoãn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN