Theo lệnh trừng phạt, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga từ tháng 12 và cấm xuất khẩu dầu sang khối này từ tháng 2 năm sau. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết điều này có nghĩa là khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga sẽ không có người nhận, trừ phi Nga chuyển hướng giao hàng.
Tuy nhiên, theo phân tích của Kpler, Indonesia, Pakistan, Brazil, Nam Phi, Sri Lanka và một số quốc gia Trung Đông có thể cùng mua tới 1 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày trong mùa đông tới.
Nga đã bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khách hàng châu Á - đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc - sau khi một số khách hàng châu Âu từ chối nhập khẩu mặt hàng này nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.
Nga cũng đưa ra mức chiết khấu lớn để thu hút khách hàng. Các nhà phân tích cho rằng động thái giảm giá này có thể thu hút những người mua từ Trung Đông, nơi có thể tiêu thụ tới 500.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày.
Trước đó, một số báo cáo cho rằng Indonesia đang cân nhắc mua dầu của Nga với mức chiết khấu 30%. Tuy nhiên, Công ty dầu khí quốc gia Pertamina cho biết họ đang cân nhắc các rủi ro liên quan. Việc mua dầu thô của Nga với giá cao hơn mức trần mà các nước G7 đồng ý có thể khiến Jakarta phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.