Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times hôm 12/9, khi được hỏi về việc liệu Indonesia có mua dầu từ Nga hay không, Tổng thống Joko Widodo cho biết: “Chúng tôi luôn theo dõi tất cả các lựa chọn, tất nhiên, nếu có nước nào đó đưa ra mức giá tốt hơn. Chính phủ có nhiệm vụ tìm nhiều nguồn nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chúng tôi phải tìm ra giải pháp nào đó”.
Theo một nguồn thạo tin, Nga đã chào bán dầu thô cho Indonesia với mức chiết khấu 30%. Công ty dầu khí quốc gia Pertamina cho biết họ đang cân nhắc các rủi ro liên quan. Việc mua dầu thô của Nga với giá cao hơn mức trần mà các nước G7 đồng ý có thể khiến Jakarta phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Những năm gần đây, Indonesia không nhập nhiều dầu của Nga. Dù vậy, quốc gia này đang đứng trước sức ép phải kiềm chế giá cả tăng vọt. Chính phủ Indonesia đã phải đối mặt với sự bất bình rộng rãi về giá nhiên liệu và các mặt hàng chủ lực khác gia tăng. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đạt 4,69% vào tháng 8, cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương nước này đề ra là 2% - 4%. Tình trạng này đã diễn ra trong tháng thứ ba liên tiếp, do giá thực phẩm cao.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, nhiều quốc gia - trong đó có Mỹ, các nước EU, Anh, Canada và Nhật Bản - đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moskva và cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ đã tranh thủ mua dầu Nga nhân lúc giá giảm do lệnh trừng phạt phương Tây. Điều này tạo ra lỗ hổng cho phép Moskva đảm bảo thu nhập xuất khẩu.
Một phân tích của Financial Times về dữ liệu hải quan của Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy trong quý 2/2022, hai quốc gia này đã nhập khẩu thêm 11 triệu tấn dầu từ Nga so với quý đầu tiên. Các khoản thanh toán cho dầu của Nga từ hai nước đã tăng 9 tỷ USD.
Hồi tháng 5, Bộ Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên của Ấn Độ cho biết “năng lượng mua từ Nga chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng tiêu thụ của Ấn Độ”. Cơ quan này cảnh báo việc ngừng nhập khẩu từ Nga “sẽ tạo thêm sự bất ổn, từ đó làm tăng giá thế giới”.
Trong bối cảnh đó, Mỹ và phương Tây đã kêu gọi New Delhi và Bắc Kinh hạn chế mua dầu, than từ Nga. Nhưng mức giá rẻ hiện tại dường như là lợi thế kinh tế khổng lồ giữa lúc giá năng lượng thế giới tăng cao.