Những di sản lớn cho Nhật Bản và dấu ấn quốc tế của cố Thủ tướng Abe Shinzo

Sự ra đi bất ngờ của cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã khiến thế giới bàng hoàng, tiếc thương vì nhà lãnh đạo tài ba này chính là người đã mang lại nhiều thay đổi cho “đất nước Mặt trời mọc” và là người khởi xướng của nhiều sáng kiến an ninh khu vực.

Chú thích ảnh
Ông Abe Shinzo, khi đương nhiệm Thủ tướng Nhật Bản, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo ngày 28/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cố Thủ tướng Abe xuất thân trong một gia đình có truyền thống chính trị. Sau khi bước chân vào chính trường Nhật Bản vào năm 1993, ông đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ và Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và được Quốc hội bầu làm thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản vào ngày 26/9 năm đó. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Trong lần đầu tiên giữ vai trò người đứng đầu chính phủ, ông đã khởi xướng Đối thoại An ninh Bốn bên – một cuộc đối thoại an ninh chiến lược có sự tham gia của 4 nước, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ (thường gọi là nhóm Bộ tứ). Tuy nhiên, tháng 9/2007, ông đã phải từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe.

Trong lần thứ 2 lên nắm quyền vào tháng 12/2012, ông đã triển khai gói chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics, mà nhiều nội dung trong gói chính sách này đã được hai thủ tướng sau này như Suga Yoshihide và Kishida Fumio kế thừa và triển khai trên thực tế. Đây là một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ. Việc triển khai Abenomics đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 26 năm và tạo ra giai đoạn tăng trưởng liên tục dài thứ 2 trong lịch sử thời hậu chiến cho Nhật Bản với 71 tháng tăng trưởng liên tiếp. Trong thời gian Thủ tướng Abe nắm quyền, chỉ số Nikkei đã tăng gấp đôi, từ 10.000 điểm vào tháng 12/2012 lên hơn 20.000 điểm. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật Bản.

Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Abe cũng chủ trương mở cửa với các lao động, nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết, đồng thời chứng minh rằng một nền kinh tế phát triển vẫn có thể tăng trưởng bất chấp việc dân số ngày càng giảm và già hóa. Nhờ vậy, số lượng người nước ngoài ở Nhật Bản đã liên tục tăng trong 8 năm liên tiếp, từ hơn 2,033 triệu người năm 2012 lên 2,933 triệu người vào năm 2019. Bên cạnh đó, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho kinh tế Nhật Bản. Trong giai đoạn 2013-2019, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản đã liên tục phá đỉnh và đạt mức cao nhất là 31,88 triệu lượt khách vào năm 2019.

Mặt khác, Thủ tướng Abe đã giúp củng cố và nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước. Ông cũng đóng góp rất lớn vào việc thay đổi cách diễn giải trong Hiến pháp hiện hành nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia hoạt động phòng thủ tập thể để bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công vũ trang và mở rộng vai trò của SDF trong luật an ninh mới. Đây được coi là những bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Abe đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, vốn đã bị rạn nứt dưới thời các chính quyền trước đó của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), và tăng cường quan hệ của Nhật Bản với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, ông đã giúp nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế thông qua các hoạt động và sáng kiến an ninh khu vực quan trọng. Ngoài Đối thoại An ninh Bốn bên (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), cố Thủ tướng Abe cũng được coi là người đề xướng ý tưởng về“Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Ông đã lần đầu tiên đề cập tới ý tưởng này trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 6 ở Kenya vào tháng 8/2016.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư về quan hệ quốc tế Mie Oba của Đại học Kanagawa (Nhật Bản) cho biết mục tiêu của FOIP là tăng cường liên kết giữa châu Á và châu Phi thông qua Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của toàn bộ khu vực. Sáng kiến này có ba trụ cột chính, gồm: Thúc đẩy và thiết lập thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải và tự do thương mại; Theo đuổi thịnh vượng kinh tế thông qua cải thiện kết nối và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế; Duy trì hòa bình và ổn định.

Riêng đối với LDP, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe, liên minh cầm quyền giữa LDP và Đảng Công minh giành thắng lợi trong 6 cuộc bầu cử quốc gia liên tiếp. Nhờ vậy, cố Thủ tướng Abe đã trở thành vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục dài nhất Nhật Bản, vượt qua kỷ lục của Thủ tướng Eisaku Sato - người đã từng giữ vị trí này trong 2.798 ngày liên tiếp từ ngày 9/11/1964 đến 7/7/1972.

Sau khi rời nhiệm sở, ông Abe vẫn tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Vào tháng 11 năm ngoái, ông đã trở thành lãnh đạo của Seiwa Seisaku Kenkyukai – phái lớn nhất trong LDP. Trong vai trò này, ông đã có nhiều đóng góp cho quá trình hoạch định chính sách của Nhật Bản. Sự ra đi của ông đã để lại sự tiếc nuối lớn trong lòng người dân Nhật Bản và thế giới.

Đào Thanh Tùng (PV TTXVN tại Nhật Bản)
Lãnh đạo Nhật - Mỹ điện đàm sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo
Lãnh đạo Nhật - Mỹ điện đàm sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo

Ngày 9/7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN