Bạn chỉ đặt được qua ứng dụng trên điện thoại thông minh mà thôi, bởi đó là những căn bếp “ma” – cách gọi những căn bếp chỉ làm đồ ăn giao tận nơi chứ không treo biển hay mở cửa đón khách đến ăn.
Những căn bếp như thế đã xuất hiện vài năm trở lại đây và giờ đang bùng nổ tại Mỹ, trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều nơi phải phong tỏa, hạn chế đi lại, làm gia tăng nhu cầu gọi đồ ăn giao tận nơi. Người tiêu dùng cũng dần quen với việc ngày càng có nhiều thương hiệu đồ ăn giao từ những căn bếp “ma” và họ có thể đặt hàng qua các ứng dụng.
Người phát ngôn của Nextbite, đơn vị điều hành các nhà bếp "ma", cho biết: "Thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi bởi COVID-19. Những người tiêu dùng chưa từng đặt hàng trên các nền tảng giao hàng nay đã chấp nhận sự tiện lợi này".
DoorDash, một nền tảng giao đồ ăn hàng đầu chiếm 47% thị trường Mỹ, đã xử lý 543 triệu đơn hàng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà hàng truyền thống cũng đang tham gia vào xu hướng này, mở những nhà bếp "ma" dưới tên riêng của họ và tạo ra thêm các món ăn mới nhằm thu hút khách hàng. Vấn đề áp lực tài chính cũng được giải quyết, không chỉ đảm bảo nguồn thu mà còn cắt giảm chi phí bởi những căn bếp này không cần phục vụ bàn hay quản lý như những nhà hàng truyền thống. Theo Michael Roper, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh "lành mạnh" Muscle Maker Grill, bạn cần khoảng 75.000 USD là có thể mở căn bếp “ma”, trong khi chi phí mở một nhà hàng truyền thống sẽ tiêu tốn từ 350.000-500.000 USD.
Có những ý kiến cho rằng công việc tại những căn bếp "ma" này bấp bênh hơn so với những nhà hàng truyền thống. Mặc dù vậy, đối với một số nhà hàng, mô hình kinh doanh này giúp họ có thể "sống sót" qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19.