Trong thông cáo cuối cùng kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 trực tiếp diễn ra lần đầu tiên sau gần 2 năm, các nhà lãnh đạo hoan nghênh nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc đưa G7 gắn kết trở lại sau “kỷ nguyên có quá nhiều bất đồng”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mang "một động lực mới" cho G7 trong 3 ngày qua. Thủ tướng Merkel nói: "Không phải thế giới sẽ không có bất kỳ vấn đề gì nữa khi ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống Mỹ. Nhưng chúng tôi có thể hợp tác tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đó với một động lực mới. Và tôi nghĩ thật tốt khi chúng tôi đã đoàn kết hơn tại hội nghị G7 lần này".
Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson, chủ trì hội nghị cho biết số vaccine cam kết 1 tỷ liều này sẽ được phân phối qua cả kênh trực tiếp và thông qua chương trình COVAX, một cơ chế chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối công bằng nguồn vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Anh, cam kết 1 tỷ liều vaccine trên ít hơn nhiều so với con số 11 tỷ liều mà WHO cho là cần thiết để có thể tiêm chủng được cho khoảng 70% dân số thế giới.
Ngoài vaccine, G7 cam kết cung cấp nhiều viện trợ hơn cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời loại bỏ dần các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Trong "Hiệp ước về Thiên nhiên" (Nature Compact) được công bố trong ngày 13/6 cùng với tuyên bố chung của G7, các nhà lãnh đạo cam kết giảm gần một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với năm 2010 và ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học.
Ngoài ra, các quan chức G7 còn cam kết về việc chi hàng trăm tỷ USD cho dự án "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhằm xây dựng quan hệ đối tác tiêu chuẩn cao và minh bạch.