Nhiều quốc gia châu Á gồng mình chống chọi bão lũ

Mùa mưa bão năm nay đổ bộ vào nhiều khu vực ở châu Á, mang theo những trận mưa lớn, gây ra lũ lụt cục bộ, lở đất, tàn phá cơ sở hạ tầng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân và gây ra những thiệt hại không nhỏ về người và của.

Chú thích ảnh
Cảnh ngập lụt do bão Lekima tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 11/8/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Cơ quan Khí tượng Trung Quốc, Lekima - cơn bão thứ 9 và mạnh nhất trong mùa bão năm nay - đổ bộ vào các tỉnh miền Đông nước này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp.

Giới chức tỉnh Chiết Giang cho biết bão Lekima đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 6,68 triệu cư dân của tỉnh, trong đó 1,26 triệu người đã phải sơ tán khẩn cấp. Bão tàn phá 234.000 hécta diện tích hoa màu, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 24,22 tỷ NDT (3,4 tỷ USD).

Cơ quan Kiểm soát tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Sơn Đông cho biết cơn bão Lekima với tốc độ gió lên tới gần 83 km/h đã làm khoảng 1,66 triệu người bị ảnh hưởng và trên 180.000 người phải rời nhà đi lánh nạn. Tổng thiệt hại do ảnh hưởng của bão đối với ngành nông nghiệp của tỉnh là 939 triệu NDT (131 triệu USD).

Như vậy, tổng thiệt hại kinh tế do bão Lekima gây ra tại Trung Quốc đã lên tới 18 tỷ NDT (2,5 tỷ USD), trong đó có 364.000 hécta hoa màu và hơn 36.000 căn nhà bị tàn phá.

Trong khi đó, số người thiệt mạng và thương vong do mưa lũ tại các bang Karnataka, Kerala và Maharashtra của Ấn Độ ngày càng tăng dần, sau khi mưa lớn và lở đất buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán.

Bang Kerala - một điểm du lịch hút khách với những bãi biển hoang sơ và những khu nghỉ dưỡng trên đồi - là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo India Times, tính đến ngày 11/8, ít nhất 68 người đã thiệt mạng và trên 220.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại bang Kerala. Đây được coi là trận lụt tồi tệ nhất trong 45 năm của bang Karnataka khi có khoảng 1.024 ngôi làng đã bị chìm trong nước do mưa lớn và mực nước tại một số con đập đạt "đỉnh". Sân bay quốc tế Cochin nhộn nhịp nhất của bang Kerala đã phải đóng cửa kể từ ngày 9/8 sau khi đường băng bị ngập nước.

Hồi tháng 8 năm ngoái, bang Kerela cũng bị lũ lụt tàn phá, khiến trên 200 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới trên 5 triệu người. Đợt lũ lụt được cho là tồi tệ nhất tại Kerela trong vòng gần một thế kỷ đã gây thiệt hại lớn về vật chất, tàn phá mùa màng, nhà cửa và cơ sở hạ tầng với mức độ thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ USD.

Hàng năm, mùa mưa từ tháng 6 - 9 thường buộc nhiều người dân ở khu vực Nam Á phải đi sơ tán. Nhưng đây cũng là mùa cung cấp tới hơn 70% lượng mưa tại Ấn Độ, nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế.

Giới chức Myanmar cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều địa phương ở miền Nam như Paung, Mawlamyine, Mudon, Thanbyuzayat... bị ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, trong khi nhiều trường học tại phải tạm đóng cửa. Tại thị trấn Shwegyin khu vực Bago, miền Đông Myanmar, người dân phải chống chọi với nước lũ và đợi giải cứu sau khi con sông Sittaung vỡ bờ và "quét sạch" toàn bộ nhà cửa.

H.Hà (TTXVN)
Lũ lụt tại Ấn Độ làm 202 người thiệt mạng
Lũ lụt tại Ấn Độ làm 202 người thiệt mạng

Tổng số người thiệt mạng do lũ lụt tại Ấn Độ đã lên tới con số 202 tính đến ngày 13/8, trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống các khu vực ven biển ở miền Nam và Tây nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN