6 ngày sau khi xảy ra vụ tấn công kinh hoàng, ngày 21/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ban hành lệnh cấm ngay lập tức việc bán tất cả các loại súng bán tự động và súng trường tấn công, cũng như các loại có thể được dùng làm súng gây sát thương lớn hơn. Không chỉ New Zealand, nhiều nước trên thế giới cũng thắt chặt việc kiểm soát súng đạn sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu.
Tại Australia, sau vụ thảm sát tại Porth Athur tháng 4/1996, khiến 35 người thiệt mạng, nhà chức trách đã đưa ra luật kiểm soát súng đạn mới chặt chẽ hơn, trong đó có lệnh cấm sử dụng súng bán tự động, súng săn, súng bắn phát một, trừ khi những người xin giấy phép có mục đích rõ ràng. Theo đó, Australia cũng yêu cầu người sở hữu cung cấp lý do chính xác để sở hữu súng và phải trải qua khóa huấn luyện an toàn. Ước tính, hơn 600.000 loại vũ khí, trong đó có súng bán tự động đã bị tiêu hủy sau khi được giao nộp cho nhà chức trách trong chương trình mua lại trị giá nhiều triệu USD.
Giới chức Anh cũng siết chặt việc kiểm soát súng sau khi xảy ra vụ thảm sát khiến 16 người thiệt mạng gần Hungerford, miền Nam nước này, năm 1987 và vụ tấn công khiến 16 học sinh và 1 giáo viên thiệt mạng ở thị trấn Dunblane ở Scotland năm 1996. Theo dự án nghiên cứu Khảo sát vũ khí hạng nhẹ, có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), Anh đã ban hành các đạo luật mở rộng lệnh cấm vũ khí tới hầu hết các loại súng săn sau vụ thảm sát năm 1987 và cấm hầu hết các loại súng ngắn sau vụ tấn công năm 1996.
Liên minh châu Âu (EU) năm 2017 cũng thông qua các đạo luật yêu cầu các nước thành viên siết chặt việc kiểm soát vũ khí cũng như cấp phép sở hữu súng sau khi xảy ra loạt vụ tấn công trong đó có vụ tấn công khủng bố tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở thủ đô Paris năm 2015 khiến 12 người thiệt mạng.
Trong bối cảnh xảy ra các vụ tấn công tại trường học vào năm 2007 và 2008 khiến lần lượt 8 người và 10 người thiệt mạng, tháng 6/2011, Phần Lan cũng đã siết chặt hơn việc kiểm soát súng ngắn. Theo đó, nước này đã nâng độ tuổi tối thiểu sở hữu súng ngắn từ 18 lên 20. Những người nộp đơn xin sở hữu súng phải trải qua một lớp huấn luyện và các nhân viên y tế và quân sự phải báo cáo các trường hợp họ cho là có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc không đủ điều kiện để sở hữu súng.
Đức cũng đã siết chặt lệnh cấm vũ khí sau khi xảy ra 2 vụ tấn công ở thành phố miền Đông Erfurt hồi tháng 4/2002 và thị trấn Winnenden, Tây Nam nước này hồi tháng 3/2009. Các đối tượng thực hiện 2 vụ tấn công này đều sở hữu vũ khí hợp pháp. Luật pháp Đức quy định bất kỳ ai dưới 25 tuổi đều phải trải qua bài kiểm tra tâm lý trước khi nộp đơn xin sở hữu súng.
Một nước châu Âu khác là Na Uy cũng lên kế hoạch cấm các loại súng bán tự động vào năm 2021, sau khi xảy ra vụ xả súng khiến 69 người thiệt mạng vào năm 2011.
Tại Mỹ - nơi ghi nhận nhiều vụ xả súng nhất trong số các quốc gia phát triển, trong đó có các vụ xả súng đẫm máu, việc kiểm soát súng đạn hầu hết mới chỉ dừng lại ở cấp độ bang và vẫn là "bài toán khó giải quyết" ở cấp liên bang. Đơn cử như tại bang Florida, chính quyền bang đã tăng cường kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng tại trường học ngày 14/2/2018, khiến 17 người thiệt mạng.
Bang Florida đã nâng độ tuổi tối thiểu được mua súng lên 21, cũng như cấm việc bán và sở hữu các thiết bị chuyển súng bán tự động thành tự động, cho phép các thẩm phán ra lệnh tịch thu súng từ những người có vấn đề về tâm lý.