Nhà thờ Hồi giáo này nằm trên Đại lộ Deans ở Christchurch, New Zealand và đã trở thành tâm điểm chú ý khi là một trong hai nơi xảy ra vụ thảm sát đẫm máu khiến 50 người vô tội thiệt mạng.
Theo tờ Stuff (New Zealand), bao năm nay, Al Noor vẫn đứng đó với những bức tường trắng và mái vòm vàng. Tấm thảm xanh lá cây giờ đã nhuốm vệt máu đỏ.
Trước khi cánh cửa nhà thờ bị một kẻ theo thuyết người da trắng thượng đẳng bước qua, gieo rắc kinh hoàng tại chốn linh thiêng, nhà thờ Al Noor luôn rộng mở đón khách tới thăm, từ học sinh, sinh viên đại học cho tới truyền thông.
Hàng năm, nhà thờ Al Noor (tên chính thức là Masjid Al Noor) thường tổ chức một bữa tiệc nướng miễn phí trong tuần lễ nâng cao nhận thức về đạo Hồi dành cho những thành viên trong cộng đồng quan tâm và muốn tìm hiểu.
Lãnh đạo nhà thờ hoan nghênh người tham gia đặt câu hỏi và họ thuyết trình để tăng cường hiện diện của một cộng đồng Hồi giáo tuy nhỏ nhưng tận tâm.
Những lời cuối cùng mà ông Haji-Daoud Nabi, một người 71 tuổi đi lễ tại Masjid Al Noor ngày 15/3 nói là “Xin chào, người anh em. Hoan nghênh anh”. Lời chào thân thiện này nhằm vào người đàn ông sắp bắn chết ông.
Ông Abdullah Drury, một sử gia Hồi giáo, nói về cộng đồng Hồi giáo ở Christchurch: “Họ không quan tâm tới chính trị. Đó là cộng đồng bình yên, kín đáo… Rất nhiều người trong số họ đã từng tìm cách thoát khỏi bạo lực ở Trung Đông”.
Người Hồi giáo sống ở Christchurch từ lâu, gắn với lịch sử của thành phố. Những người Hồi giáo đầu tiên tới New Zealand từ Ấn Độ và định cư ở Cashmere những năm 1850.
Cho tới những năm 1970, người Hồi giáo là một phần nhỏ trong thành phố Thiên chúa giáo Christchurch. Tới năm 1981, có chừng 500 người Hồi giáo ở Canterbury, nhiều người trong số đó là sinh viên các trường đại học.
Không gian cộng đồng đầu tiên dành cho người Hồi giáo tụ họp là một ngôi nhà ở Phố Tuam, được mua năm 1981. Ngôi nhà không đủ rộng để đón số người di cư ngày càng nhiều, vì thế họ bắt đầu xây một tòa nhà mới ở Đại lộ Deans – khu vực khi đó là một chuồng ngựa.
Quá trình xây dựng nhà thờ Al Noor do cộng đồng Hồi giáo thực hiện, chủ yếu phụ thuộc vào tiền quyên góp của các thành viên và khoảng 460.000 USD do Saudi Arabia tặng.
Phần lớn những người góp công xây nhà thờ thời đó đã qua đời, trong số đó là Tiến sĩ Muhammad Nabi tới từ Bangladesh. Ông chết cách đây nhiều năm nhưng vẫn có vai trò quan trọng với nhà thờ.
Khi nhà thờ Masjid Al Noor được xây xong vào tháng 8/1985, đó là nhà thờ Hồi giáo nằm ở cực nam của thế giới, xa thánh địa Mecca nhất trong số các nhà thờ Hồi giáo. Đó là nhà thờ Hồi giáo duy nhất ở Đảo Nam (South Island) và là nhà thờ Hồi giáo thứ hai ở New Zealand.
Theo ông Abdullah Drury, nhà thờ này được xây dựng rất cẩn thận. Nội thất được thiết kế tỉ mỉ và có nhiều biểu tượng. Những dòng chữ khắc trong nhà thờ do một thợ ở Sudan thực hiện.
Tương tự các tôn giáo khác, những người theo đạo Hồi ở New Zealand tới từ nhiều nền văn hóa. Ước tính người Hồi giáo từ hơn 40 quốc gia là thành viên thường xuyên của nhà thờ Masjid Al Noor năm 2014.
Trong những năm 190, ngày càng nhiều người Hồi giáo di cư tới Canterbury, trong số đó có nhiều người tị nạn từ Somali và Afghanistan.
Dù cộng đồng Hồi giáo gia tăng với nhiều nền văn hóa, sắc tộc khác nhau nhưng nhà thờ Masjid Al Noor vẫn là nhà thờ Hồi giáo duy nhất ở Christchutch. Cho dù thỉnh thoảng có căng thẳng nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng ly giáo.
Ông Drury viết trong nghiên cứu của mình: “Ở nhiều góc độ, cộng đồng Hồi giáo ở Christchurch giống như một đại gia đình hoặc như một bộ tộc… Liên tục có người đến và đi”.
Trong những năm 2000, cộng đồng Hồi giáo ở Christchurch gặp khó khăn khi làn sóng chống Hồi giáo lan khắp phương Tây, một phần là do báo chí đưa tin quá đà.
Người Hồi giáo ở Christchurch đồng lòng phản đối chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tiếp tục hòa nhập cộng đồng.
Ba tuần sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, lãnh đạo Hồi giáo ở đây đã thể hiện bất bình về vụ việc với một phóng viên tờ Press tới thăm Masjid Al Noor.
Sheikh Abdulrahman, khi đó là thầy tế của nhà thờ, nói: “Đạo Hồi chỉ trích bất kỳ hành động nào khuyến khích bất ổn trong các cộng đồng và giữa con người với nhau. Đừng nói tới chuyện dùng tay thực hiện hành động xấu, bạn thậm chí còn không nên mang điều gì xấu xa vào trái tim mình”.
Nhiều người Hồi giáo vẫn còn thức khi trận động đất đầu tiên rung chuyển Canterbury tháng 9/2010. Đó là tuần thứ ba trong tháng lễ Ramadan. Nhà thờ không bị ảnh hưởng nhiều. Người Hồi giáo cùng những tín đồ tôn giáo khác thể hiện đoàn kết với 185 nạn nhân cũng như Giáo hội Anglican vừa mất trung tâm thờ cúng chính.
Lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở Christchurch luôn khẳng định cam kết hướng tới hòa bình. Trong cuộc phỏng vấn năm 2016 với tờ Migrant Times, thầy tế Gamal Fouda của nhà thờ Masjid Al Noor một lần nữa phản đối chủ nghĩa cực đoan.
Ông nói: “Mọi người cần tìm hiểu về đạo Hồi từ những học giả đích thực đại diện cho đạo Hồi thật sự, không phải từ những người tự coi mình là người Hồi giáo, nhưng lại trốn đằng sau tôn giáo và sử dụng nó để thực hiện ý đồ và gây hỗn loạn. Với những nhóm tự xưng là nhà nước Hồi giáo, tôi gọi chúng là nhà nước phi Hồi giáo. Họ không đại diện cho đạo Hồi, họ không đại diện cho người Hồi giáo… Chúa tạo ra tất cả chúng ta và chúng ta đều là anh chị em trong loài người”.
Xem video lễ mai táng các nạn nhân vụ xả súng (nguồn: The Sun):
Tới năm 2017, cộng đồng Hồi giáo ở Christchurch lớn tới mức cần phải có nhà thờ Hồi giáo thứ hai.
Trung tâm Hồi giáo Linwood chính thức được thành lập năm 2018 trong một tòa nhà trên Đại lộ Linwood. Tòa nhà này trước là Trung tâm Cộng đồng Linwood.
Tòa nhà bị hư hỏng trong động đất và đã được bán năm 2016. Cộng đồng Hồi giáo đã nỗ lực quyên tiền để mua tòa nhà vào tháng 6/2018 với giá 400.000 USD.
Cộng đồng có kế hoạch cải tạo lại nội thất đã hỏng trong tòa nhà. Họ vừa trải thảm mới. Ngày 15/3, 80 người đang cầu nguyện trong nhà thờ mới thì xảy ra vụ thảm sát.
Sau vụ thảm sát tại Al Noor và Linwood, ông Abdelhalim nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng tới nhà thờ này để cầu nguyện vì đất nước này chấp nhận mọi tôn giáo, mọi người có quốc tịch khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Chúng tôi là một phần của New Zealand cho dù kẻ tấn công có chấp nhận hay không”.