Nhiều nước EU cảnh báo hạn chế thương mại với Brazil

Các vụ cháy rừng Amazon tại Brazil đang lan rộng đã gây làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt là các nhà lãnh đạo châu Âu.

Chú thích ảnh
Lửa cháy dữ dội tại rừng Amazon trên địa phận bang Tocantins, Brazil, ngày 17/8/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 23/8, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Mika Lintila khẳng định nước này sẽ đề xuất một lệnh cấm thịt bò nhập khẩu từ Brazil nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro có biện pháp ngăn chặn thảm họa cháy rừng.

Bộ trưởng Lintila lên án nạn tàn phá rừng nhiệt đới tại Brazil, đồng thời đề xuất Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Phần Lan khẩn trương xem xét lệnh cấm thịt bò của Brazil. Hiện Phần Lan đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU. Ông khẳng định nếu không có tiến triển trong việc ngăn chặn nạn cháy rừng tại Brazil, Phần Lan sẽ nêu vấn đề này với các bộ trưởng tài chính EU trong cuộc gặp sắp tới vào tháng 9 tại Helsinki. Trước đó, Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne (An-ti Rin) cũng tuyên bố EU cần có biện pháp trước các vụ cháy rừng Amazon.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đi đầu trong việc gây sức ép với Chính phủ Brazil liên quan đến nạn cháy rừng Amazon, đã đe dọa chặn thỏa thuận thương mại giữa Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) với EU, vừa ký kết hồi cuối tháng 6 vừa qua. Tổng thống Macron thậm chí cáo buộc Tổng thống Bolsonaro đã "nói dối" về quan điểm của Brasilia trong vấn đề biến đổi khí hậu. Chính phủ Ireland cũng lên cảnh báo có hành động ngăn chặn thông qua Hiệp định tự do thương mại EU-MERCOSUR. 

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Đức nhấn mạnh việc Tổng thống Macron phản đối thỏa thuận thương mại giữa EU và MERCOSUR không phải giải pháp đúng đắn để giải quyết các vụ cháy rừng tại Brazil. Quan chức này cho rằng việc dừng thỏa thuận trên sẽ không góp phần làm giảm tình trạng phá rừng rậm Amazon. 

Trước phản ứng của một số nước châu Âu, Tổng thống Bolsonaro cho rằng các vụ cháy rừng tại nước này không thể là cái cớ để các quốc gia trừng phạt Brazil. Phát biểu trên truyền hình cùng ngày, ông Bolsonaro cho rằng nhiều vụ cháy rừng xảy ra trên khắp thế giới và vụ việc tương tự tại Brazil không thể là lý do cho các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm nước này. 

Từ hai tuần qua, các vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn ha rừng nhiệt đới. Cộng đồng quốc tế quan ngại các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ động thực vật tại khu vực được gọi là “lá phổi xanh của hành tinh”. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Brazil, hơn 76.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng đầu nay, con số cao nhất kể từ năm 2013, và hầu hết xảy ra ở rừng Amazon. So với cùng kỳ năm ngoái, cháy rừng Amazon từ đầu năm đến nay tăng 83%. Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố Sao Paulo (Xau Pao-lu) và một số thành phố khác của Brazil. Trong khi đó, cháy rừng có xu hướng nghiêm trọng hơn do mùa khô hanh hiện nay, kéo dài đến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, cùng thói quen phá rừng làm nương rẫy và bãi chăn thả gia súc.

Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) Brazil cho hay trong các ngày 21 và 22/8, đã bùng phát thêm 700 vụ cháy rừng mới.

Thanh Hương (TTXVN)
Paraguay và Bolivia nỗ lực ngăn chặn các đám cháy rừng ở vùng Amazon
Paraguay và Bolivia nỗ lực ngăn chặn các đám cháy rừng ở vùng Amazon

Ngày 23/8, chính phủ Paraguay cho biết đã huy động hàng trăm tình nguyện viên tới vùng miền bắc Pantanal để tham gia ngăn chặn các đám cháy rừng ở vùng Amazon lan rộng trên lãnh thổ nước này sau khi cơ quan chức năng dự báo hướng gió sẽ thay đổi vào cuối tuần và đe dọa làm chuyển hướng những đám cháy rừng ở Bolivia và Brazil.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN