Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), giới chức cảnh sát Ấn Độ cho biết số ca tử vong do chụp ảnh tự sướng thực tế có thể lên đến hàng nghìn người, cao hơn nhiều số liệu thống kê. Nguyên nhân do nhiều trường hợp không được báo cáo và “tử vong do chụp ảnh tự sướng” không được công nhận là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Trào lưu chụp ảnh tự sướng đang lan rộng trên khắp thế giới. Dù chỉ đơn giản là hành động chụp lại ảnh của chính mình nhưng nó đã trở thành một trào lưu nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, một số người còn gọi đó là một trò “nguy hiểm chết người”.
Tai họa về những cái chết do chụp ảnh tự sướng đặc biệt tập trung ở Ấn Độ. Những năm gần đây, quốc gia này được biết đến là nơi ghi nhận nhiều ca tử vong nhất thế giới do các tai nạn liên quan đến chụp ảnh tự sướng.
Hồi đầu tháng, 2 thiếu niên đã chết đuối thương tâm trong lúc chụp ảnh tự sướng ở thành phố Agra, miền bắc đất nước. Trong một vụ việc khác, một thanh niên đã liều lĩnh quay lại những hành động nguy hiểm của mình trên một chuyến tàu địa phương ở Mumbai, gây ra sự phẫn nộ trên toàn quốc.
Ở bang Orissa, miền Đông nước Mỹ, một phụ nữ 27 tuổi đã chết đuối trên sông sau khi trượt chân ngã trong lúc selfie tại điểm dã ngoại Kaanakund. Một học sinh 13 tuổi cũng chết cháy sau khi vướng vào dây điện cao thế khi đang chụp ảnh tự sướng trên nóc một đoàn tàu đang chạy.
Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ phát hiện ra rằng khoảng 50% trong số 259 trường hợp tử vong do chụp ảnh tự sướng trên thế giới từ năm 2011 đến năm 2017 đều xảy ra ở Ấn Độ.
Bản báo cáo chỉ ra rằng Ấn Độ, Nga, Mỹ và Pakistan là những nước có nhiều trường hợp thiệt mạng liên quan tới chụp ảnh "tự sướng" nhất. Hầu hết các vụ tai nạn là do chết đuối, bị tàu hoặc xe ô tô đâm, ngã từ cao xuống.
Các chuyên gia cho rằng xu hướng người Ấn Độ "nghiện” chụp ảnh tự sướng là do yếu tố về văn hóa xã hội và sự bùng nổ của điện thoại thông minh.
Quốc gia này có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Số lượng người dùng điện thoại thông minh ước tính đạt trên 760 triệu người trong năm nay, theo công ty dữ liệu người tiêu dùng Statista.
Bà Rita Joshi, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Delhi, cho biết tại một quốc gia có ý thức về phân chia tầng lớp trong xã hội cao như Ấn Độ, ảnh tự sướng là một trong những công cụ giúp cho tầng lớp trung lưu thể hiện bản thân một cách độc đáo.
"Ảnh tự sướng giúp mọi người cảm thấy hợp thời khi họ đăng chúng lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời khen và lượt yêu thích. Đó là cách dễ dàng nhất để giới trẻ kết nối với toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, nơi có phong cách sống thời thượng mà họ muốn hướng đến”, bà Joshi nói.
Những người nổi tiếng và các nhân vật có sức ảnh hưởng cũng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy xu hướng này. Những bức ảnh tự sướng của Thủ tướng Narendra Modi với các nhà lãnh đạo thế giới hay những bức ảnh của các ngôi sao Bollywood đã tạo ra sự phấn khích tột độ.
Tuy nhiên, hành vi chụp ảnh tự sướng thiếu trách nhiệm đã khiến nhiều người và các nhà hoạt động lo lắng. Họ đang thúc đẩy các phong trào nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiếm đến tính mạng.
Ông Ponnurangam Kumaraguru, Giáo sư tại Viện Công nghệ Thông tin Indraprastha-Delhi, đã tạo ra một ứng dụng có tên Saftie, phối hợp với các nhà nghiên cứu khác để cảnh báo mọi người về những địa điểm chụp ảnh tự sướng được người dùng đánh giá là “nguy hiểm”.
“Ứng dụng nhằm mục đích giảm thiểu số ca tử vong liên quan đến chụp ảnh tự sướng. Nó phân tích thời gian thực về hình ảnh mà họ nhìn thấy, sử dụng các kỹ thuật học sâu, để cảnh báo người dùng về các vị trí chụp ảnh nguy hiểm”, ông Kumaraguru nói.
Doanh nhân 43 tuổi Deepak Gandhi cũng đã phát động phong trào “SelfieToDieFor”, một phong trào nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc liều mình chụp ảnh tự sướng ở những địa điểm nguy hiểm. Trang web mà ông tạo ra cho phép mọi người xem video về hậu quả của việc chụp ảnh tự sướng mạo hiểm và kêu gọi mọi người “chụp ảnh tự sướng có trách nhiệm”.
Chính phủ Ấn Độ cũng đẩy mạnh các nỗ lực để giải quyết vấn nạn này. Các cơ quan quản lý đường sắt đã phát động phong trào chụp ảnh tự sướng an toàn, đưa ra những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt với những người chụp ảnh tự sướng mạo hiểm. Cảnh sát ở một số địa phương như Mumbai và Goa thậm chí còn lập các khu cấm chụp ảnh tự sướng tại các bãi biển nổi tiếng.
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Piyush Goyal cũng khuyến cáo những người trẻ không chụp ảnh tự sướng trên đường ray xe lửa. Cơ quan này phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức kèm theo các bài hát Bollywood để cảnh báo mọi người về những mối nguy hiểm khi liều lĩnh chụp ảnh tự sướng.
Theo ông Kumaraguru, các chiến dịch này nhắm vào nhóm người từ 19 đến 30 tuổi, đối tượng dễ tử vong do selfie nhất.
“Các công ty điện thoại cũng có thể chào hàng bằng cách tung ra các mẫu điện thoại tích hợp các tính năng cảnh báo người dùng về những điểm selfie nguy hiểm”, ông gợi ý.