Thông tin trên đã được Phó Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goita xác nhận ngày 8/10.
Binh biến ở Mali xảy ra ngày 18/8 vừa qua khi nhóm binh sĩ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Vài giờ sau đó, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội.
Sau binh biến, chính quyền quân sự ở Mali đã cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp hoạt động trong vòng 18 tháng để đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự sau binh biến.
Ngày 25/9, ông Bah Ndaw, một đại tá nghỉ hưu, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Mali, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình chuyển tiếp này. Đại tá Goita, lãnh đạo chính quyền quân sự, được chỉ định làm Phó Tổng thống lâm thời trong chính phủ chuyển tiếp tại Mali, phụ trách các vấn đề an ninh và quốc phòng.
Thông báo của ông Goita đưa ra chiều 7/10 nêu rõ cựu Chủ tịch Quốc hội Moussa Timbine và 8 tướng lĩnh quân đội khác nằm trong số những cựu quan chức mới được trả tự do.
Việc trả tự do cho các quan chức của chính phủ tiền nhiệm là một trong những yêu cầu mà cộng đồng quốc tế, trong đó có Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), đưa ra để đổi lại việc nới lỏng trừng phạt với quốc gia này sau binh biến. ECOWAS đã gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Mali sau khi chính quyền chuyển tiếp được thiết lập tại quốc gia này.
Các đối tác nước ngoài của Mali lo ngại tình hình tại nước này càng trở nên bất ổn nếu các cựu quan chức tiếp tục bị giam giữ và cuộc chiến chống các tay súng Hồi giáo cực đoan tại khu vực Sahel có thể bị suy yếu.