Loài cây này là một biểu tượng văn hóa nổi bật vì từng được người dân bản địa sử dụng đan thành giỏ và dép, đồng thời vẫn là một phần quan trọng trong hệ sinh thái hoang mạc Mojave.
Sở Cứu hỏa California (CalFire) cho biết vụ cháy, được đặt tên là York Fire, đã thiêu rụi khoảng 38.000 ha rừng gần biên giới California - Nevada. Tính đến ngày 3/8, lực lượng cứu hỏa mới khống chế được 34% diện tích đám cháy này. "Giặc lửa" đã phá hủy hệ sinh thái đa dạng và thiêu rụi nhiều cây Joshua. Loài cây này trở nên nổi tiếng thế giới kể từ khi ban nhạc U2 phát hành album "The Joshua Tree" năm 1987.
Lửa cũng gây cháy tại Khu Bảo tồn quốc gia Mojave, nhưng may mắn chưa lan tới công viên quốc gia Joshua Tree cách đó khoảng 100 km, nơi có nhiều cây Joshua quý. Công viên này là điểm thu hút khoảng 3 triệu du khách tham quan mỗi năm, trong khi số lượng du khách tới Khu Bảo tồn Mojave hằng năm là khoảng 2 triệu người.
Người đứng đầu Khu Bảo tồn Mojave, ông Mike Gauthier nhấn mạnh vụ cháy York Fire gây thiệt hại lớn đối với cảnh quan. Một số cây Joshua đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Dịch vụ Công viên Quốc gia cho biết đây là vụ cháy lớn nhất trong khu vực kể từ khi đơn vị này bắt đầu thu thập dữ liệu về các vụ hỏa hoạn.
Bang California chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ các cây Joshua. Loài cây này có tên khoa học là Yucca brevifolia, chỉ mọc giới hạn trong hoang mạc Mojave, trên độ cao từ 400 - 1.800m. Vì phiến lá dài, cứng và sắc nhọn, loài cây này còn có tên tiếng Tây Ban Nha là Izote de desierto, tức "dao găm sa mạc". Đây là một trong những đặc điểm nổi bật thu hút đông đảo người dân và du khách.