Chiến dịch tiết kiệm điện theo yêu cầu của chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu ngày 2/7 để đối phó với tình trạng thiếu điện do các lò phản ứng hạt nhân bị ngừng hoạt động sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 từ tháng 3/2011.
Ngày 2/7, lò phản ứng số 3 (phải) của nhà máy điện hạt nhân Ohi thuộc Công ty điện lực Kansai ở thị trấn Ohi, quận Fukui, miền trung Nhật Bản đã hoạt động trở lại. Lò phản ứng số 3 có công suất 1,8 triệu KW sẽ bắt đầu sản xuất điện từ ngày 4/7 và có thể hoạt động hết công suất trong tuần này. Ảnh: Kyodo/ TTXVN |
Tuy chính phủ Nhật Bản không ra lệnh tiết kiệm điện bắt buộc như đã từng làm với một số khu vực mùa hè năm ngoái, nhưng đây là mùa hè thứ hai liên tiếp Nhật Bản phải đối mặt với yêu cầu tiết kiệm điện của chính phủ.
Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu tất cả các tỉnh thành, kể cả tỉnh Okinawa không có điện hạt nhân, phải thực hiện tiết kiệm điện ở mức hợp lý tới ngày 28/9.
Đối với các khu vực do 6 công ty điện lực cung cấp điện, những nơi đặc biệt khó khăn về nguồn cung điện, chính phủ Nhật Bản đã áp đặt các mức tiết kiệm điện, yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp tự nguyện cắt mức tiêu thụ điện từ 5-15% từ ngày 2/7 đến 7/9. Mức tiết kiệm điện cao nhất 15% đã được đặt ra cho khu vực do Công ty điện lực Kansai (KEPCO) cấp điện, bao gồm các thành phố lớn như Osaka và Kyoto.
Định hướng tiết kiệm điện đã buộc các văn phòng và cửa hàng tiết kiệm trong sử dụng máy điều hòa và hệ thống chiếu sáng. Công ty Coca-Cola (Japan) Co. và các công ty đóng chai của họ có kế hoạch luân phiên tắt chức năng làm mát trong các máy bán đồ uống tự động 2 giờ. Trong khi đó, Công ty đường sắt Kyushyu sẽ giảm tần suất chuyến tàu trong và xung quanh thành phố Fukuoka.
Nếu tiêu thụ điện năng có nguy cơ vượt ngưỡng 99% khả năng cung cấp điện mặc dù đã thực hiện tiết kiệm điện, chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện cắt điện luân phiên ở các khu vực thuộc quản hạt của 4 công ty điện lực (Kansai, Kyushyu, Hokkaido và Shioku), nơi tình hình cung và cầu năng lượng căng thẳng nhất.
Mặc dù các quan chức chính phủ nói rằng các nguy cơ xảy ra cắt điện luân phiên là nhỏ, nhưng công tác chuẩn bị vẫn đang được xúc tiến để đối phó với các tình huống khẩn cấp, như các nhà máy nhiệt điện bị hư hỏng.
KEPCO vừa tái khởi động lò phản ứng số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Oi của công ty này ở tỉnh Fukui ngày 1/7 để giúp giảm nguy cơ thiếu điện vào mùa hè này. Đây là lò phản ứng đầu tiên được phép hoạt động trở lại sau các cuộc kiểm tra định kỳ kể từ khi xảy ra sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Oi sẽ được tái khởi động vào cuối tháng này, nhưng 48 lò phản ứng còn lại vẫn phải ngừng hoạt động trong bối cảnh dư luận lo ngại về an toàn hạt nhân.
Phương châm tiết kiệm điện cũng sẽ bắt đầu tại khu vực cung cấp điện của Công ty điện lực Hokkaido với yêu cầu cắt giảm 7% lượng điện tiêu thụ từ ngày 23/7 đến 14/9. Thời gian được yêu cầu tiết kiệm điện từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối vào những ngày thường, trừ giai đoạn nghỉ lễ Obon của Nhật Bản từ 13-15/8. Riêng khu vực Hokkaido, khoảng thời gian cần tiết kiệm điện ngắn hơn, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều tính từ ngày 10-14/9.
Một khi lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Oi đạt công suất lớn nhất, dự kiến sớm nhất là ngày 8/7, và tình hình cung cấp điện trở nên ổn định, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch giảm mức tiết kiệm điện đối với các khu vực Chubu, Kansai, Hokuriku và Chugoku.
M.Sơn (P/v TTXVN tại Tokyo)