Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong tuyên bố nhân 5 năm ngày PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông (12/7/2016), Bộ trưởng Motegi nhấn mạnh các bên cần tuân thủ phán quyết này, bởi đây là "phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Bộ trưởng Motegi khẳng định tất cả các yêu sách ở Biển Đông cần phải dựa trên các điều khoản liên quan của UNCLOS. Nhật Bản một lần nữa phản đối các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trái với quy định của UNCLOS. Nhật Bản cũng quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay, đồng thời tái khẳng định phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Theo Bộ trưởng Motegi, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia liên quan để duy trì và tăng cường trật tự hàng hải dựa trên thượng tôn pháp luật và hiện thực hóa “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Canada cũng ra tuyên bố nhân 5 năm ngày PCA ra phán quyết nêu trên, theo đó Canada “tái khẳng định sự cần thiết của việc tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này”, đồng thời nhấn mạnh phán quyết là “cột mốc ý nghĩa và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada kêu gọi tất cả các nước tuân thủ các cam kết đưa ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Bên cạnh đó, Canada tuyên bố ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Theo Ottawa, những nguyên tắc này là “cần thiết cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thịnh vượng”.
Bộ Ngoại giao Canada nhấn mạnh: “Canada nỗ lực bảo vệ và khôi phục trật tự quốc tế hiệu quả dựa trên luật định, bao gồm cả đối với các vùng biển và đại dương, cũng như nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế”.