Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, Nhật Bản và Anh đã đạt được một thỏa thuận lớn về thương mại tự do song phương. Bộ trưởng Motegi và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đã nhất trí về thỏa thuận thương mại tự do trên với phần lớn các điều khoản tương tự như một thỏa thuận thương mại Nhật Bản - EU có hiệu lực từ tháng 2/2019.
Nhật Bản và Anh đã thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do song phương trong khoảng hai tháng trong bối cảnh cả hai nước đều cần hoàn tất các thủ tục phê chuẩn để thỏa thuận này có hiệu lực từ tháng 1/2020, khi Anh không còn phải tuân thủ các thỏa thuận thương mại của EU.
Thỏa thuận trên có thể mang lại động lực cho Anh để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước thành viên, trong đó có Nhật Bản, Australia và Mexico và chiếm khoảng 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Trước đó, quan chức đại diện 11 nước thành viên CPTPP ngày 6/8 công bố một thông báo cho hay họ hoan nghênh sự quan tâm của một số quốc gia, trong đó có Anh, về việc tham gia hiệp định này.
Anh là một đối tác thương mại lớn của Nhật Bản với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 38 tỷ USD năm 2019. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 11 của Anh, trong khi gần 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đặt trụ sở hoạt động tại Anh và tạo ra 180.000 việc làm ở nước này.
Anh tin tưởng đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU
Phát biểu với báo giới tại Bắc Ireland, ngày 7/8, Chánh văn phòng Nội các Anh Michael Gove, quan chức hàng đầu của Chính phủ Anh giám sát các cuộc đàm phán Brexit, nhấn mạnh rằng thực tế cho thấy hai bên đang đạt tiến triển trong đàm phán. Vì vậy, ông có lý do tin rằng đàm phán sẽ thành công.
Quan chức Anh khẳng định quan hệ mà London duy trì với Brussels được xây dựng trên nền tảng thiện chí, thực tế và sâu sắc. Ông nhấn mạnh tới triển vọng đạt được một thỏa thuận (với EU) cho dù phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo kế hoạch, các quan chức Anh và EU sẽ kéo dài các cuộc đàm phán thương mại đến ngày 2/10, chưa đầy 2 tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU, nơi các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng có thể phê chuẩn thỏa thuận với Anh.
Trước đó, ngày 23/7, hai bên đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, bác bỏ khả năng nhanh chóng đạt được một thỏa thuận sơ bộ trong tháng 7 do hai bên tiếp tục vướng mắc trong các vấn đề như thỏa thuận đảm bảo cạnh tranh công bằng và đánh bắt cá. Tuy nhiên, London và Brussels vẫn bày tỏ hy vọng sẽ đạt được mục tiêu trong những tháng tới.
Nhằm tạo đột phá trong đàm phán với Anh, EU sẵn sàng thỏa hiệp bằng cách linh động hơn các yêu cầu liên quan tới vấn đề trợ cấp nhà nước. Theo các nguồn tin ngoại giao, EU có thể sẽ lựa chọn thỏa hiệp, trong đó cho phép áp dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp với mọi khoản trợ cấp nhà nước mà Chính phủ Anh dành cho các công ty trong tương lai, thay vì buộc London phải tuân thủ các quy định riêng của EU ngay từ đầu. Các điều khoản đảm bảo cạnh tranh công bằng vốn là những trở ngại lớn khiến các cuộc đàm phán về quan hệ Anh - EU thời hậu Brexit rơi vào bế tắc.
Hiện Anh vẫn đang trong quá trình chuyển tiếp hậu Brexit, trong đó hai bên tiếp tục duy trì mô hình quan hệ cũ cho tới cuối năm 2020 để có thời gian đàm phán thỏa thuận quan hệ mới, tránh kịch bản gián đoạn đột ngột. Thời gian không còn nhiều, nhưng các cuộc đàm phán hiện vẫn bế tắc khi hai bên còn mâu thuẫn trong nhiều vấn đề chính trong khi tiến trình đàm phán bị gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19. Thêm vào đó, Anh kiên quyết không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, càng làm gia tăng lo ngại rằng quan hệ kinh tế và hoạt động đi lại giữa hai bên sẽ chấm dứt đột ngột trong vài tháng tới.