Giống như năm ngoái, buổi lễ tưởng niệm năm nay được tổ chức với quy mô thu hẹp do dịch bệnh COVID-19, với 880 ghế khách mời, giảm 10% so với số ghế khách mời tham dự sự kiện này hằng năm.
Sau phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm họa này vào lúc 8h15 - thời điểm Mỹ thả bom nguyên tử vào ngày 6/8/1945, Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui đã có bài phát biểu kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới ủng hộ Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc có hiệu lực vào tháng 1/2021. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới chuyển từ răn đe hạt nhân sang đối thoại xây dựng niềm tin.
Thị trưởng Matrui nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp các nỗ lực cá nhân, đặc biệt là trong giới trẻ, để khuyến khích các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thay đổi chính sách. Ông cam kết sẽ không ngừng bảo tồn các dữ kiện của thảm họa và thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình trên toàn thế giới.
Đối với Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc, hiện có 86 quốc gia ký kết, ông Matsui kêu gọi chính phủ Nhật Bản ký và phê chuẩn để thực hiện "hòa giải hiệu quả" giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và các quốc gia không có vũ khí hạt nhân.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh sự cần thiết phải "kiên trì với các sáng kiến thực tế" hướng tới giải trừ hạt nhân trong bối cảnh môi trường an ninh nghiêm trọng và sự khác biệt ngày càng lớn về lập trường giữa các quốc gia. Thủ tướng Suga không đề cập Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trong bài phát biểu của mình, nhưng cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để hội nghị rà soát Hiệp ước không phổ biến hạt nhân tiếp theo có kết quả bằng cách tìm ra điểm chung giữa các nước.
Nhật Bản cùng với các quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới đã từ chối tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.
Trong một phát biểu ghi hình khi không thể tham dự trực tiếp lễ tưởng niệm này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc thiếu tiến bộ hướng tới mục tiêu này.
Ông Guterres cho rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã và đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ trong những năm gần đây, làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ông hoan nghênh quyết định của Nga và Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới và tham gia vào một cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí là các bước hướng tới giảm nguy cơ thảm họa hạt nhân.
Ông Guterres chia sẻ: “Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro, riêng lẻ và chung. Sự đảm bảo duy nhất ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân là loại bỏ chúng hoàn toàn".
Một quả bom nguyên tử lõi urani có tên "Little Boy" do một máy bay ném bom của Mỹ thả xuống đã phát nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima lúc 8:15 sáng 6/8/1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người tính đến cuối năm đó. Quả bom nguyên tử thứ hai thả xuống thành phố Nagasaki vào ngày 9/8 đã khiến Nhật Bản đầu hàng 6 ngày sau đó, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới II.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số nạn nhân sống sót trong hai vụ ném bom nguyên tử, được gọi là Hibakusha ở Nhật Bản, tính đến tháng 3 vừa qua là 127.755 người tính, giảm khoảng 8.900 so với một năm trước đó. Độ tuổi trung bình của họ là 83,94.