Thủ tướng Suga đã thông báo kế hoạch này với Quốc hội sau cuộc họp của nhóm chuyên gia cố vấn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Suga dự định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Tochigi, phía Bắc Tokyo, theo đúng kế hoạch vào ngày 7/2 vì tình hình dịch bệnh ở đây đã cải thiện đáng kể. Như vậy, các tỉnh, thành vẫn nằm trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp gồm: Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Gifu, Osaka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura - người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, không loại trừ khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn 7/3 ở những tỉnh, thành mà tình hình dịch bệnh cải thiện rõ rệt.
Hôm 7/1, Thủ tướng Suga đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận trong thời gian từ ngày 8/1 đến 7/2. Sau đó, ngày 13/1, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp đã được mở rộng ra 7 tỉnh khác. Trước tình hình này, chính phủ sẽ hỗ trợ cho các chính quyền địa phương trợ cấp cho các nhà hàng và quán bar tuân thủ các yêu cầu đó.
Mặt khác, chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa và làm việc theo ca với mục tiêu giảm 70% số lượng nhân viên làm việc tại văn phòng, đồng thời không để nhân viên làm việc sau 20h ngoại trừ các công việc cần thiết để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, chính phủ sẽ không yêu cầu các trường học trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp phải tạm thời đóng cửa nhưng phải triệt để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tính đến ngày 1/2, tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản là 390.687 người, trong đó có 5.766 người tử vong vì dịch bệnh nguy hiểm này.
Trong khi đó, Quốc hội Nhật Bản có kế hoạch tiến hành bỏ phiếu đối với hai dự luật nhằm áp đặt các mức phạt đối với những cá nhân và doanh nghiệp không tuân thủ các biện pháp phòng dịch sau khi Thượng viện nước này khởi động các phiên thảo luận về hai văn kiện này từ ngày 2/2.
Theo đó, dự luật đầu tiên nhằm xem xét mức phạt lên tới 500.000 yen (khoảng 4.770 USD) đối với bệnh nhân COVID-19 từ chối nhập viện và 300.000 yen đối với đối tượng từ chối tham gia các cuộc điều tra dịch tễ của giới chức y tế.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản có ý định đưa ra mức phạt lên tới 1 năm tù giam hoặc phạt tiền tối đa 1 triệu yen đối với trường hợp mắc bệnh nhưng không nhập viện và 500.000 yen đối với những người không chịu hợp tác với cơ quan y tế.
Trong khi đó, dự luật còn lại liên quan đến bổ sung các biện pháp phòng dịch đặc biệt, trong đó gồm mức phạt lên tới 300.000 yen đối với nhà hàng và quán bar không tuân thủ lệnh rút ngắn thời gian hoạt động trong thời gian thực hiện tình trạng khẩn cấp quốc gia và 200.000 yen đối với những người từ chối hợp tác trong trường hợp dưới mức khẩn cấp.