Trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hâp cấp COVID-19 ngày một gia tăng, đặc biệt sau khi xuất hiện các biến thể mới của virus này, Nhật Bản đã và đang rất nỗ lực nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc áp đặt tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 10 tỉnh, thành khác trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 7/1.
Theo biện pháp trên, người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết và các nhà hàng, quán bar rút ngắn thời gian hoạt động.
Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 được yêu cầu về nhà chờ hồi phục do số ca mới tăng mạnh gây quá tải cho các bệnh viện. Điều này khiến giới chuyên gia y tế quan ngại mối nguy hiểm của việc cách ly tại nhà cũng như khó khăn trong việc ngăn chặn những người khác trong gia đình phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 của người mắc bệnh, ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến ngày 20/1, hơn 35.390 bệnh nhân mắc COVID-19 đang hồi phục tại nhà.
Ông Seiichi Kobayashi, Giáo sư miễn dịch lâm sàng thuộc Đại học Khoa học Y tế Sapporo nhấn mạnh yêu cầu bệnh nhân cách ly là một nguyên tắc chung, song nó lại rất khó để ngăn chặn việc lây nhiễm xảy ra trong cùng một nhà.
Do đó, theo ông cần chuẩn bị cơ sở như khách sạn để người dân cách ly. Nếu buộc phải hồi phục sau khi mắc COVID-19 tại nhà, điều quan trọng cần hạn chế lượng đồ vật dùng chung giữa các thành viên trong gia đình.
Để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc có thể phải kéo dài tình trạng khẩn cấp nếu số ca mắc vẫn có xu hướng tăng. Tình trạng khẩn cấp hiện đang có hiệu lực tại 11 tỉnh, bao gồm cả thủ đô Tokyo, cho đến hết ngày 7/2.
Kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, số ca mắc mới tính theo ngày ở Tokyo dần giảm xuống. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tốc độ giảm chậm và tỷ lệ người cao tuổi nhiễm virus lại đang tăng.