Nhật Bản: Phát hiện 5 ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể đôi

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản vừa xác nhận 5 ca mắc COVID-19 ở nước này nhiễm biến thể đôi, tức là có đặc tính của hai biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.

Biến thể này đã được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và được cho là có khả năng lây nhiễm cao và ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine.

Chú thích ảnh
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy một tế bào (màu xanh) bị virus SARS-CoV-2 (màu tím) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, Fort Detrick, Maryland, Mỹ, ngày 15/7/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato cho biết chính phủ đang đề cao cảnh giác trước biến thể mới do có thể châm ngòi cho sự gia tăng số ca nhiễm mới. Hãng tin Jiji Press dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/4 khẳng định nước này sẽ thực hiện các biện pháp triệt để để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng cách thu thập, đánh giá và phân tích thông tin cũng như tăng cường kiểm soát biên giới và hệ thống giám sát.

Trong khi đó, theo nhật báo Yomiuri, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Nhật Bản đã nâng cảnh báo về biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Philippines lên mức cảnh báo tương đương với các biến thể được phát hiện lần đầu ở Anh, Nam Phi và Brazil. Nhật Bản đã lần đầu tiên phát hiện biến thể này hồi tháng 3.

Dựa trên kết quả xét nghiệm do các viện nghiên cứu và cơ sở tư nhân tiến hành, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết tính tới ngày 13/3, Nhật Bản đã phát hiện 3.564 người trên toàn quốc nhiễm các biến thể của SARS-CoV-2, trong đó Osaka có 770 ca, Tokyo 418 ca và Hyogo 300 ca.

Theo tờ Yomiuri, kể từ tháng 1 vừa qua, biến thể phổ biến nhất ở Tokyo có chứa đột biến gene E484K, có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine. Trong số các mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm trong tháng 3, tỷ lệ mẫu có đột biến gene E484K là từ 40% đến 60%. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 3, số lượng ca nhiễm biến thể có đột biến gene N501Y đã bắt đầu tăng. Đây là đột biến gene có khả năng lây nhiễm cao hơn và có trong các biến thể được phát hiện lần đầu ở Anh, Nam Phi và Brazil. 

Hiện tại, số ca nhiễm N501Y đang gia tăng mạnh mẽ ở khu vực phía Tây, đặc biệt tại Osaka và Tokyo.  Một chuyên gia của NIID dự báo với tốc độ như hiện nay, biến thể N501Y có thể sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong số các ca mắc mới ở Nhật Bản trong khoảng thời gian từ nay tới giữa tháng 5.

Ngày 22/4, một chuyên gia y tế cảnh báo số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo có thể vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày trong 2 tuần nữa nếu số ca mắc mới chủ yếu nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trong tình huống đó, số bệnh nhân COVID-19 ở Tokyo phải nhập viện có thể vượt ngưỡng 6.000 người.

Trong khi đó, tại Osaka, sự gia tăng của số ca nhiễm mới đã khiến hệ thống y tế chịu nhiều sức ép. Jiji Press dẫn nguồn tin từ chính quyền tỉnh Osaka cho biết kể từ tháng 3 tới nay, có 8 bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh này đã tử vong tại nhà, trong đó có 5 người đang được chữa trị tại nhà, 2 người đang chờ chuyển tới cơ sở cách ly và 1 người đang chờ các cơ quan chức năng tìm nơi chữa trị.

Hiện Osaka gần như không còn giường dành cho bệnh nhân nguy kịch, trong khi tỷ lệ sử dụng giường dành cho các bệnh nhân nhẹ và vừa đã vượt ngưỡng 85%. Cho đến ngày 20/4, tỉnh này có 8.500 bệnh nhân COVID-19 đang chữa trị tại nhà và 2.500 người khác đang chờ tìm cơ sở để chữa trị.

Đào Thanh Tùng (TTXVN)
Chủ tịch IOC ủng hộ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo
Chủ tịch IOC ủng hộ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach ngày 22/4 bày tỏ ủng hộ kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp mới tại thủ đô Tokyo, đồng thời khẳng định quyết định này không ảnh hưởng đến Thế vận hội Olympic sắp đến gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN