Các bể chứa nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở quận Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Động thái này là một bước quan trọng trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của TEPCO nhằm ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, địa điểm xảy ra thảm họa thanh nhiên liệu hạt nhân tan chảy tồi tệ nhất thế giới do ảnh hưởng của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 ở vùng Đông Bắc Nhật Bản.
Kể từ sau thời điểm xảy ra vụ tai nạn, TEPCO đã lưu trữ khoảng 1,3 triệu tấn nước, gồm nước ngầm, nước biển và nước mưa, tại nhà máy, cùng với nước được sử dụng nhằm làm mát các lò phản ứng. Nước đã được lọc để loại bỏ nhiều vật liệu phóng xạ, nhưng vẫn được tích trong hơn 1.000 bể chứa, chiếm phần lớn diện tích của nhà máy.
Việc loại bỏ các bể chứa nước trở nên khả thi, sau khi TEPCO bắt đầu xả nước đã lưu trữ vào Thái Bình Dương vào tháng 8/2023. Nhật Bản khẳng định rằng nước đã qua xử lý không gây hại cho môi trường. Tuyên bố này cũng đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc ủng hộ. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải phản đối từ Trung Quốc - quốc gia ban đầu đã cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản trước khi tuyên bố vào năm ngoái rằng họ sẽ "dần dần khôi phục" hoạt động thương mại này.
Sau khi tháo dỡ các bể chứa, công ty có kế hoạch xây dựng các cơ sở lưu trữ các mảnh vụn nhiên liệu nóng chảy được chiết xuất từ bên trong các lò phản ứng.