Nhật Bản một năm sau thảm họa

Đã một năm trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm họa động đất - sóng thần tại các tỉnh Đông Bắc Nhật Bản. Có lẽ người dân Nhật Bản không bao giờ quên được cái thời khắc kinh hoàng ấy.  Và vượt qua nỗi đau, những vùng bị sóng thần "tấn công" nay đã thực sự hồi sinh...

Thảm họa đã tàn phá các khu vực ven biển trải dài từ tỉnh Hokkaido ở phía Bắc đến tận tỉnh Chiba giáp thủ đô Tôkiô. Động đất còn gây ra sự cố nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, gây rò rỉ phóng xạ, làm ô nhiễm môi trường không khí, đất đai, nguồn nước và biển.


Hậu quả của “thảm họa kép”

Ngày 13/3/2011, hình ảnh Yuko Sugimoto quấn chăn đứng trong cảnh đổ nát ở thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, được truyền thông Nhật Bản và thế giới truyền đi như một biểu tượng cho thấy đau thương mà người Nhật phải chịu trước thảm họa kép. Gần một năm sau, vào ngày 27/1 năm nay, Sugimoto và cậu con trai năm tuổi Raito đứng chụp ảnh tại chính vị trí của bức ảnh năm ngoái. Hầu như chỉ có thể nhận ra điểm chung của hai bức hình ở những cây cột điện phía xa, bởi chính Sugimoto cũng đã khác nhiều. Nguồn: Internet.


Nhật Bản là quốc gia thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất, buộc các công trình xây dựng mới đều phải đảm bảo tiêu chuẩn chịu động đất mạnh. Thế nhưng, không ít công trình đã không đủ sức cưỡng lại sự tàn phá của trận động đất kinh hoàng ngày 11/3/2011. Những đợt sóng thần cao tới chục mét đã cuốn trôi và xóa sổ nhiều thành phố, làng mạc ven biển. Có những thị trấn nằm sâu từ 4-5 km tính từ bờ biển vẫn bị thiệt hại nặng nề về người và của do sóng thần vươn bàn tay chết chóc tới đó.

Động đất - sóng thần đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người, tàn phá nhiều nhà cửa, phương tiện sản xuất và cơ sở hạ tầng. Theo tính toán của các chuyên gia, “thảm họa kép” đã gây thiệt hại tới hơn 300 tỷ USD. Đó là chưa tính đến hậu quả lâu dài do sự cố hạt nhân Fukushima để lại cho con người, môi trường và nền kinh tế.

Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế hướng về xuất khẩu, chủ yếu phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Sau sự cố hạt nhân Fukushima 1, nhiều nước đã cấm nhập khẩu hoặc kiểm dịch gắt gao các sản phẩm đến từ Nhật Bản, đặc biệt là từ các khu vực chịu ảnh hưởng của sự cố hạt nhân. Điều đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và làm chậm quá trình khôi phục kinh tế sau thảm họa.

Do ảnh hưởng của sự cố hạt nhân, nhiều lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đang ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ, gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng trong mùa hè vừa qua. Chính phủ đã phải ban hành chính sách tiết kiệm điện, yêu cầu các công ty sản xuất, thương mại và dịch vụ giảm 15% lượng điện tiêu thụ.

Điều này gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp, buộc họ phải tính đến việc di chuyển các cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Tình hình đó có thể tác động xấu tới việc làm trong nước và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Sự cố hạt nhân còn tác động mạnh tới chính sách năng lượng và chiến lược tăng trưởng mới dựa vào xuất khẩu cơ sở hạ tầng và công nghệ cao của Nhật Bản. Ông Noriyuki Shikata, Phó Thư ký Quan hệ công chúng, Trưởng Ban liên lạc toàn cầu Phủ Thủ tướng, cho biết về lâu dài, chính sách năng lượng của Nhật Bản sẽ đi theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào điện hạt nhân và thay thế bằng các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm tiết kiệm điện năng, nhiên liệu.


Vượt lên thảm họa

Năm ngoái, phóng viên TTXVN đã có dịp tới thăm tỉnh Iwate, một trong 3 địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi sóng thần. Được tận mắt chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của sóng thần mới thấy nhiệm vụ tái thiết của chính phủ và nhân dân Nhật Bản thật nặng nề.

Cặp ảnh này cùng được chụp tại một vị trí ở thành phố Miyako. Hình ảnh phía trên được một quan chức Miyako chụp vào ngày 11/3/2011, khi đợt sóng thần tràn qua bờ đê và chảy vào thành phố thuộc tỉnh Iwate. Bức ảnh phía dưới được chụp ngày 16/1/2012 và cho thấy một khung cảnh thanh bình khác hẳn với cách đây gần một năm. Nguồn: Internet.


Mới đây, tôi đã tới dự triển lãm ảnh về công cuộc khôi phục và chấn hưng các khu vực chịu thiệt hại nặng nề do động đất và sóng thần. Các bức ảnh chụp cùng một nhân vật, cùng một địa điểm, nhưng ở hai thời điểm khác nhau: một được chụp trong ngày xảy ra “thảm họa kép” và một được chụp gần một năm sau đó đã thể hiện rõ sự hồi sinh mãnh liệt của “xứ sở hoa anh đào”. Để có được sự hồi sinh đó phải kể đến những nỗ lực phi thường của chính phủ và nhân dân Nhật Bản, sự giúp đỡ chí tình của cộng đồng quốc tế.

Hiện các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 có nhiệt độ tương đối ổn định, nằm dưới mức “ngừng hoạt động ở trạng thái nguội”. Ông Koichi Noda, Trưởng Phòng khắc phục hậu quả sự cố hạt nhân thuộc Cơ quan các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng Nhật Bản, cho biết hiện TEPCO - đơn vị vận hành nhà máy Fukushima 1, đang nỗ lực ngăn chặn rò rỉ phóng xạ ra không khí và áp dụng phương pháp làm nguội bằng khí để giảm lượng nước làm mát bị nhiễm xạ có khả năng rò rỉ ra ngoài. Một vấn đề nan giải nữa là phải giải quyết hàng triệu tấn rác nhiễm xạ. Gần đây, các địa phương ở Nhật Bản, trong đó có Tôkiô, đã đồng ý tiếp nhận và xử lý lượng rác thải khổng lồ này.

Bên cạnh những khó khăn chồng chất do thiên tai gây ra, Nhật Bản còn phải đối mặt với đồng yên tăng giá. Nhiều công ty Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề do tình hình lũ lụt ở Thái Lan, trong khi thị trường xuất khẩu ảm đạm do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Cặp ảnh này thể hiện hình ảnh một góc của thành phố ven biển Ofunato, tỉnh Iwate, vào ngày 14/3/2011 và ngày 15/1/2012. Cảnh đổ nát đã không còn, người ta chỉ có thể nhớ về ngày 11/3 định mệnh ở những khoảng trống mà trước đây từng là một ngôi nhà. Ảnh: Internet.


Trong bối cảnh đó, ngày 10/2/2012, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan tái thiết trực thuộc chính phủ nhằm thúc đẩy và điều phối thực hiện tất cả các chính sách và biện pháp tái thiết các khu vực hứng chịu thiên tai nặng nề. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi và dành hàng nghìn tỷ yên cho công cuộc tái thiết vùng Đông Bắc, bao gồm việc xây dựng các khu nhà tạm, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đền bù thiệt hại do sự cố hạt nhân… Đến nay, đã có 324.927 người trong tổng số 343.000 người phải sơ tán đã được bố trí vào ở tại các khu nhà tạm, nhà công hoặc bệnh viện. Khoảng 17.000 người hoặc ở nhờ nhà họ hàng hoặc khách sạn, nhà nghỉ. Chỉ còn 584 người phải ở tạm tại các trung tâm lánh nạn.

Trong những ngày đầu sau thảm họa, hình ảnh người dân Nhật Bản ứng xử bình tĩnh, tuân thủ luật pháp, đoàn kết giúp đỡ nhau trong hoạn nạn đã được cả thế giới đánh giá cao và khâm phục. Với những phẩm chất tốt đẹp đó cùng với quyết tâm và sự nỗ lực không mệt mỏi, chắc chắn những người dân của “xứ sở Mặt Trời mọc” sẽ sớm vượt qua được thử thách để đứng vững và vươn lên trong thảm họa.

Minh Sơn
Một năm sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản: Người gieo mầm hy vọng giữa “rốn” thảm họa
Một năm sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản: Người gieo mầm hy vọng giữa “rốn” thảm họa

Trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt và thiếu thốn đủ bề, người nông dân này vẫn quyết tâm bám trụ trên mảnh đất quê hương để gieo những “hạt mầm hy vọng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN